Điểm sáng khuyến học vùng cao

Để xây dựng một xã hội học tập, những năm qua, xã miền núi Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động trong công tác khuyến học khuyến tài, tích cực động viên, hỗ trợ những học sinh có thành tích học tập tốt, gia đình hiếu học.

Ông Nguyễn Lai, Trưởng thôn Phù Ninh, đánh kẻng báo hiệu giờ học bài cho các em.



Thành lập hơn 10 năm, Hội khuyến học xã Hương Giang đã thành lập được 8 chi hội ở các thôn và trường học. Bên cạnh việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức về học tập của người dân, các chi hội đã tích cực tạo những nguồn thu tương đối ổn định hàng năm, bằng nhiều hình thức như tổ chức xổ số, thu hội phí, quyên góp trong nhân nhân, các nhà hảo tâm để tổ chức phát thưởng cho giáo viên, học sinh, sinh viên đạt thành tích trong năm học, học sinh thi đậu vào đại học. Thời gian qua, xã đã khen thưởng, cấp học bổng và hỗ trợ học sinh nghèo với gần 2.500 suất. Hiện, tồn quỹ khuyến học của Hội lên đến 150 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Đức Sơn ở thôn Phú Ninh là một điển hình vượt khó cho con đến trường. Thuộc hộ nghèo, bản thân lại bị khuyết tật đôi chân, cả gia đình anh sống nhờ mấy rẫy lúa và việc làm thuê của vợ, nên vợ chồng anh chắt chiu từng đồng để các con đến trường. Khó khăn, nhưng hai con của anh luôn là học sinh xuất sắc và đạt nhiều giải thưởng cao của trường tiểu học Hương Giang. Biết được hoàn cảnh của gia đình anh, Hội khuyến học của xã mỗi năm đều dành hai suất học bổng, hỗ trợ đồ dùng học tập cho hai con của anh. Cũng như anh Sơn, nhiều gia đình đã quan tâm hơn đến việc học tập của con em, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn có 2 - 3 con học đại học như ông Nguyễn Thanh Lý, Mai Văn Đức, Phan Thị Dung... Hơn 6 năm qua, đã có trên 1.800 lượt hộ gia đình đăng ký gia đình hiếu học; trong đó, có 79 gia đình được huyện công nhận gia đình hiếu học 4 năm liền và 63 gia đình được công nhận gia đình hiếu học 5 năm liền.

Phụ huynh được vận động tạo góc học tập riêng cho con em.



Góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc miền núi, xã Hương Giang đã triển khai xây dựng mô hình "tiếng kẻng học tập". Toàn bộ 6 thôn ở Hương Giang được trang bị mỗi thôn một chiếc kẻng, đúng 19 giờ, trưởng thôn có nhiệm vụ đánh kẻng, báo hiệu giờ học, để tạo thói quen học bài đúng giờ giấc cho học sinh. Để mô hình hoạt động có hiệu quả, ở mỗi thôn thành lập một Ban điều hành chăm lo sự nghiệp giáo dục thôn, đi đến từng nhà để kiểm tra việc học của các em. Định kỳ hàng tháng, ban điều hành họp để nắm tình hình học tập cũng như hoàn cảnh của mỗi em; đồng thời, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và thôn để kịp thời giúp đỡ, đặc biệt là những học sinh cá biệt. Hằng đêm, các thành viên đến từng nhà, vận động phụ huynh không gây ồn ào, tạo điều kiện cho các em học, em nào chưa có góc học tập thì vận động phụ huynh mua bàn học cho các em; với những em khó khăn thôn sẽ trích quỹ khuyến học để giúp đỡ.

Với nhiều cách làm để nâng cao chất lượng học tập, đến nay xã Hương Giang đã cơ bản chấm dứt tình trạng bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng không ngừng tăng. Ba năm trở lại đây, cả xã có gần 50 em đỗ đại học, cao đẳng. Dẫu cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng ý thức học tập của các học sinh và phụ huynh không ngừng đi lên, Hương Giang trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài.

Bài và ảnh: Tường Vi
Đổi thay ở trường bán trú vùng cao
Đổi thay ở trường bán trú vùng cao

Năm học 2013 - 2014 là năm đầu tiên Trường PTDT bán trú tiểu học Chung Chải xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, thực hiện các hoạt động giáo dục của một trường bán trú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN