Để ghe Ngo độc mộc không chìm vào quên lãng

Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là tỉnh có số lượng ghe Ngo nhiều nhất với hàng chục chiếc trong hơn 90 ngôi chùa. Hàng năm, Sóc Trăng có trên dưới 40 ghe Ngo tham gia tranh tài ở các giải đua ghe Ngo, nhưng hiện nay hầu như chẳng còn chiếc nào trong số ấy là chiếc ghe Ngo độc mộc nguyên bản (làm từ một cây gỗ cổ thụ, khoét rỗng ruột). Thay vào đó là những chiếc ghe ghép ván, khi những ưu điểm nhanh, nhẹ, mạnh của chiếc ghe ghép ván đã vô tình đưa những chiếc ghe Ngo độc mộc nguyên bản ngày nào lên bờ và dần bị lãng quên theo năm tháng cùng mối mọt và hư hại.

* Xuống cấp vì thiếu sự quan tâm, tu sửa

Ghe Ngo.

Tại Sóc Trăng hiện nay cũng rất khó để tìm thấy những chiếc ghe Ngo độc mộc nguyên bản và nếu có, đó cũng là những chiếc ghe độc mộc đã bị “biến dạng”: có đáy của chiếc ghe độc mộc ngày trước nhưng lề trên của ghe đã được thay bằng những miếng ván ghép.

Ngược về quá khứ, mà chính xác là cách đây vài chục năm, khi những chiếc ghe ghép ván vẫn chưa xuất hiện, thì những chiếc ghe Ngo độc mộc vẫn luôn là niềm tự hào của người Khmer trong các phum sóc. Có được mỗi chiếc ghe đó là sự kỳ công của cả một cộng đồng, của sự đoàn kết tập thể. Được xem là nơi khởi nguyên của chiếc ghe Ngo độc mộc, nhưng tại Sóc Trăng không có nhiều chùa còn giữ chiếc ghe này.

Tìm đến chùa Prek Om Pou (xã Thạnh Thới An) huyện Trần Đề, chúng tôi được sư trụ trì đưa đi xem chiếc ghe độc mộc còn lại của chùa. Đây là chiếc ghe độc mộc được khoét ruột từ cây sao cổ thụ. Theo sư trụ trì Triệu Ươl thì chiếc ghe này đã hơn 50 năm tuổi. Trải qua nhiều lần bơi đạt thứ hạng cao, năm 2009 chiếc ghe đã lên “nằm bờ” vì không thể cạnh tranh thứ hạng với những chiếc ghe “hiện đại”.

Do không còn được sử dụng, nên chiếc ghe độc mộc được cất vào tầng hầm của ngôi chánh điện. Theo sư trụ trì, đưa ghe Ngo xuống dưới tầng hầm của chánh điện nhằm tránh mối mọt và nắng gió bên ngoài tác động, đồng thời cũng là để giữ lại phần kỷ vật thiêng liêng ngày nào của ngôi chùa. Tuy nhiên, do không được bảo dưỡng kỹ lưỡng, lại nằm dưới ngôi chánh điện tương đối ẩm ướt nên màu sơn cùng nhiều thớ gỗ đã bị bong tróc, mục dần. Kể từ khi chiếc ghe này không còn được sử dụng nữa thì phong trào thể thao của bổn sóc cũng dần đi xuống. Riêng năm nay, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, chùa Prek Om Pou đã đóng được chiếc ghe mới.

Không được bảo quản kỹ như chùa Prek Om Pou, chiếc ghe độc mộc của chùa Bưng Sa (xã Viên An, huyện Trần Đề) càng xuống cấp trầm trọng hơn. Sau bao năm tháng chống chịu với gió sương, mưa nắng, chiếc ghe nguyên bản này đã gần như hư hại. Hiện, bên hông của chiếc ghe đã bị mối, mọt khoét từng mảng lớn, đáy của chiếc ghe cũng chung tình cảnh. Theo các vị sư trong chùa, chiếc ghe này được hoàn thành trước khi họ chào đời, khi họ lớn lên đã thấy chiếc ghe nằm đó. Do quá nặng nề và không đạt được thành tích cao trong cuộc đua của lễ OK Om Bok, từ nhiều năm trước chiếc ghe đã “nằm lại” trên bờ. Nếu không được sửa chữa kịp thời, chiếc ghe này sẽ chờ ngày mục rã. Năm nay, chùa Bưng Sa vừa đóng mới chiếc ghe ngo ghép ván, họ hy vọng sẽ giành được thứ hạng cao trong cuộc đua OK Om Bok năm nay.

* Sự mơ hồ của thế hệ trẻ!

Khi nói đến ghe Ngo độc mộc không thể bỏ qua chiếc ghe Ka Hâu (chiếc ghe cơm), một chiếc ghe có vị trí quan trọng không kém chiếc ghe Ngo truyền thống trong mỗi cuộc đua của lễ hội Ok Om Bok. Ngày trước, mỗi chiếc ghe Ngo đi thi đấu phải có một chiếc Ka Hâu đi kèm để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ đội ghe và phục vụ văn nghệ của phum sóc mình ngay tại nơi diễn ra lễ hội. Đặc biệt, chiếc Ka Hâu là nơi để vị trụ trì và nhà sư nằm nghỉ trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Chiếc ghe Ka Hâu cũng là một chiếc ghe độc mộc, cũng được làm từ gỗ nguyên cây, nhưng có chiều dài và bề rộng lớn hơn nhiều so với chiếc ghe ngo. Để di chuyển được chiếc Ka Hâu, phải chọn đi trên những con sông lớn và không có nhiều khúc cua khó. Do dài và lớn hơn chiếc ghe ngo nên chiếc Ka Hâu không thể bơi bằng dầm mà phải chèo và di chuyển tương đối chậm. Nhưng do có vị trí vô cùng quan trọng, là “nguồn sống” của cả đội ghe về vật chất lẫn tinh thần, chiếc Ka Hâu luôn song hành cùng chiếc ghe Ngo.

Là “người bạn” song hành, nên khi những chiếc ghe Ngo độc mộc đã mất dần trên những cuộc đua thì hình ảnh của những chiếc Ka Hâu cũng hiếm thấy hơn. Trong quá khứ, nhiều chiếc Ka Hâu được trưng bày lộng lẫy, trở thành niềm tự hào của người dân bổn sóc mỗi lần tham gia lễ Ok Om Bok như Ka Hâu của chùa Prek T’ro Kuon (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên), Săng Ke (xã Trường Khánh, huyện Long Phú)… Còn ngày nay, những chiếc Ka Hâu đó đã trôi vào quên lãng, có chăng chỉ những cụ ông, cụ bà còn nhớ, còn nhắc lại về thời hoàng kim của chúng. Nhiều bạn trẻ thế hệ 9X sau này tỏ vẻ ngơ ngác khi nghe ông, cha của chúng hào hứng kể về chiếc ghe độc mộc và chiếc Ka Hâu. Chúng mơ hồ không phải vì chúng không hiểu về giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà vì chúng không còn được thấy những chiếc ghe đó có hình dáng như thế nào? Cũng không quá bất ngờ khi chiếc Ka Hâu cũng đang dần biến mất. Và có chăng nếu xuất hiện, chẳng có bao nhiêu người có thể nhận ra đó là chiếc Ka Hâu bệ vệ bên sông ngày nào, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.

Trong cuộc đua năm 2010 của tỉnh Sóc Trăng diễn ra trên sông Maspero, có hơn 40 đội ghe Ngo tham gia (gồm cả đội nam lẫn nữ) thì chỉ thấp thoáng 2 chiếc Ka Hâu đi kèm chiếc ghe ngo của đội nhà, đó là chiếc ghe của chùa Tum Núp (thuộc xã An Ninh, huyện Mỹ Tú) và chiếc Ka Hâu của chùa Xẻo Me (xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu).

Tỉnh Sóc Trăng đang hướng đến nâng tầm lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo lên thành lễ hội cấp quốc gia. Nhưng thiết nghĩ, khi những chiếc ghe được xem là khởi nguyên của chiếc ghe ngo hiện đại ngày nay đang dần “biến mất”, thì những thế hệ sau có còn được biết đến chiếc ghe độc mộc ra sao, hay chỉ có thể tưởng tượng về những chiếc ghe Ngo, Ka Hâu nguyên bản từng là niềm hãnh diện ngày nào, đang mất dần cùng thời gian?./.


Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN