Để "cái bụng" của dân làng đói là có tội với Yàng

Đó là lời tâm sự của Đinh Jum - dân tộc Bahnar ở làng Hà Nừng thuộc xã Sơn Lang (huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai), với mong muốn giúp cuộc sống của dân làng ngày càng được no ấm và hạnh phúc hơn lên. Anh hiểu biết cái gì thì bày vẽ cho bà con làm theo cái ấy, từ cái nương, cái rẫy cho đến việc thực hành tiết kiệm chi tiêu trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Bà con trong làng ai cũng quý mến và tin tưởng nơi anh, bởi cái gì mà Đinh Jum hướng dẫn cho dân làng là đều có kết quả và mang lại lợi ích thiết thực. Trước đây, người Bahnar ở Hà Nừng còn nghèo khổ lắm bởi bà con không biết cách làm ăn.

Điều mà anh Đinh Jum (phải) quan tâm là cuộc sống của bà con dân tộc Bahnar ngày càng khá giả.


Việc trồng tỉa cây lúa, cây ngô trên nương rẫy đều phó mặc cho Yàng (Trời); được mùa thì no "cái bụng" còn mất mùa coi như thiếu ăn đến 5 - 7 tháng trong năm. Đinh Jum không chịu bó tay trước cái nghèo khổ ấy của bản thân mình và cho cả dân làng, anh quyết tâm đi đầu trong việc "đột phá" cung cách làm ăn, nhằm góp phần giúp dân làng nhanh chóng thoát nghèo. Đinh Jum quyết định chọn một mảnh đất riêng của nhà mình bên cạnh suối để trồng thử nghiệm lúa nước 2 vụ, dân làng lũ lượt kéo đến xem và cho đây là "hiện tượng lạ" trái với lệ làng.

Vụ đầu bị thất bại do thời tiết lạnh và cây lúa chết, anh không nản chí mà tiếp tục gieo trồng vụ 2 và chăm bón đầy đủ theo tiến bộ kỹ thuật; vụ này đã cho năng suất đạt hơn 8 tạ/sào. Thấy hạt lúa trên chân ruộng của nhà Jum mà bà con ai cũng ao ước, cũng chính từ đây đã mở đầu cho phong trào phát triển cây lúa nước rộng ra cả làng.

Những chân ruộng nào có điều kiện về nguồn nước tưới thì bà con đều được đưa vào trồng lúa nước 2 vụ, đồng thời học tập theo cách chăm bón của Đinh Jum chỉ dẫn nên hàng chục hécta lúa trong làng đều cho năng suất cao. Theo đó là các loại cây trồng khác như ngô, sắn... cũng được chuyển đổi bằng giống mới và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đảm bảo cho năng suất và sản lượng cao. Nghe theo lời Đinh Jum, bà con trong làng còn nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, không những giữ được rừng mà còn có thêm mức thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng/hộ.

Đinh Jum là một trong số ít người của làng Hà Nừng có trình độ "học cao, biết rộng", nên nói cái gì và làm cái gì cũng đúng, cũng đều mang lại hiệu quả cho bản thân mình và cộng đồng trong làng. Từ năm 1987, anh đã theo học chương trình hợp tác đào tạo lao động Đức - Việt tại Đức theo chuyên ngành cơ khí (cắt kim loại), rồi sang Tiệp Khắc (cũ) học nghề tiện công nghiệp.

Sau 10 năm hoàn thành chương trình học và làm việc tại nước ngoài, anh trở về nước và quyết định không xin việc làm ở các doanh nghiệp mà tự nguyện về với buôn làng. Anh nói: "Mình là con của làng Hà Nừng, trước hết phải phục vụ cho bà con dân làng cái đã. Mình no mà để "cái bụng" của dân làng đói là có tội với Yàng đấy...”. Hiện nay, cuộc sống của Đinh Jum khá giả nhất làng với 4 ha cà phê, 8 sào lúa nước 2 vụ, 2,5 ha mì và bời lời, nuôi 15 con trâu bò; hàng năm có mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Theo Đinh Jum, không riêng gì mình có cuộc sống khá giả mà rồi đây cả làng cũng sẽ có cuộc sống như mình, bởi bà con ngày càng biết cách làm ăn mới và không còn phụ thuộc vào Yàng nữa.

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN