Dạy nghề thổ cẩm: Hướng đi mới cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Sa Pa

Thời gian qua, chị em phụ nữ dân tộc Mông và Dao ở một số xã vùng cao huyện Sa Pa được học nghề tại các lớp do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức. Mô hình dạy nghề này được đánh giá là có hiệu quả cao, giúp chị em xóa đói, giảm nghèo.

Chị em người Dao Đỏ xã Thanh Kim háo hức học nghề cắt may, đưa thổ cẩm dân tộc mình vào sản phẩm phục vụ du lịch.


Chị Hà Thị Lân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sa Pa cho biết: Ý tưởng dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ bằng việc phát huy chính kỹ năng thêu thùa, làm thổ cẩm - đặc biệt là với phụ nữ dân tộc thiểu số còn khó khăn, đã hình thành từ mấy năm nay. Từ năm 2007- 2010, Hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho chị em, tuy nhiên đến năm 2010 và sang nửa đầu năm 2011, việc dạy nghề mới thực sự đi vào chiều sâu. Hiện đang có một số lớp ở Sử Pán, Hầu Thào, Thanh Kim, Nậm Cang, Tả Phìn, San Xả Hồ…. Tất cả đều nhằm mục tiêu giúp chị em có việc làm và thu nhập, qua đó gắn bó hơn với công tác Hội phụ nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Sử Pán - xã điển hình trong vùng dự án dạy nghề, là xã nghèo đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện 14 km về phía đông. Toàn xã có 368 hộ, 2005 khẩu, dân tộc Mông chiếm 98%; còn lại là các dân tộc Kinh và dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) còn cao. Tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 653, phụ nữ trong độ tuổi lao động là 345 người. Do địa hình đất dốc, đồi núi đá nên diện tích đất canh tác ít, khu vực nào có nguồn nước thì người dân làm ruộng bậc thang để canh tác, còn thì vẫn phải đi xâm canh ở các xã lân cận để trồng ngô và các loại hoa màu khác. Ngay với ruộng bậc thang, do đất quá dốc, xói mòn nhiều nên năng suất cũng không cao, sản phẩm nông nghiệp hạn chế. Bởi vậy, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Từ việc vận động chị em tham gia các lớp học nghề thổ cẩm mới, Hội phụ nữ đã thu hút được khá đông người tham gia vừa học vừa làm ra sản phẩm và có thu nhập ngay. Hiện nay chị em người Mông ở Sử Pán không chỉ thêu những sản phẩm truyền thống, mà còn làm ra những bức tranh hình phượng hoàng, hình hoa cách điệu; những chiếc túi xinh xinh kết hợp cả hoa văn dân tộc thiểu số với hoa văn hiện đại.

Còn ở Thanh Kim, đến với lớp học nghề chủ yếu là chị em phụ nữ người Dao Đỏ. Điều kiện cuộc sống ở đây tuy đã có nhiều đổi thay nhờ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và huyện, nhưng vẫn còn một số khó khăn, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ. Ngày nông nhàn các chị cũng thêu thổ cẩm nhưng là tự phát, lại xa trung tâm huyện nên tiêu thụ rất khó khăn. Được Hội Phụ nữ huyện và các tổ chức giúp đỡ, nên chị em rất háo hức, phấn khởi đến lớp. Sản phẩm các chị làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, nâng cao thu nhập.

Vấn đề vận động phụ nữ vùng cao tưởng như phức tạp, khó khăn, nhưng nắm được tập quán, cách nghĩ của chị em thì thật đơn giản, đó là làm cái gì cũng phải sớm nhìn thấy kết quả. Chủ tịch Hà Thị Lân cùng Ban chấp hành huyện hội Phụ nữ Sa Pa đã bàn bạc và đề ra các giải pháp công tác hội, trong đó có chương trình vận động dạy nghề này. Thông qua đó, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em, vừa là tuyên truyền vận động, tập hợp hội viên làm tốt công tác hội. Ở tầm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, những đóng góp của Hội phụ nữ cũng đã được đánh giá cao: Hội đã có nhiều chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn dạy nghề, phát triển nhóm sản xuất thổ cẩm tạo việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái tạo việc làm từ nghề thêu sản phẩm thổ cẩm truyền thống để có thêm thu nhập cải thiện đời sống và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Mã Anh Lâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN