Dạy nghề phù hợp với nhu cầu

Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer đông nhất cả nước, với trên 400.000 người, chiếm gần 31% dân số của tỉnh. Những năm gần đây, lao động ở nông thôn nói chung và lao động là đồng bào Khmer nói riêng luôn được các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956).


Mở lối thoát nghèo

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức được gần 1.030 lớp dạy nghề, trong đó, có hơn 650 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và 370 lớp dạy nghề nông nghiệp cho hơn 30.000 lao động nông thôn (trong đó có hơn 14.000 lao động là đồng bào dân tộc Khmer). Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật trồng màu, sản xuất lúa thơm, điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng, đan đát (đan lát), thủ công mỹ nghệ, cắt uốn tóc, may dân dụng… là những ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa. Sau khi các học viên tham gia học nghề, một số đã tự tạo việc làm tại nhà hoặc có việc làm, thu nhập ổn định ở các công ty, xí nghiệp... Đến nay, đã có trên 80% học viên tốt nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập bình quân mỗi người từ 2 - 2,2 triệu đồng/tháng.

Nhiều đồng bào Khmer đã sống được bằng nghề đan lát sau khi được đào tạo.


Trần Đề là huyện có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào Khmer, nhất là trong lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Bà Lê Thị Thuyết, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện, cho biết: Thực hiện đề án 1956 về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã kết hợp với Quyết định 74 về hỗ trợ, giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer. Các học viên đa số là lao động Khmer, con em hộ nghèo và cận nghèo. Trước khi dạy nghề, Trung tâm thường kết hợp với địa phương tìm hiểu ý kiến của người dân, sau đó mới mở lớp học nghề cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Từ đó, đã thu hút được nhiều học viên tham gia học nghề. Bám sát với nhu cầu thực tế của địa phương, Trung tâm đã mở nhiều lớp dạy nghề như: may dân dụng, đan đát, sửa chữa máy nổ, kỹ thuật trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao… Giúp nhiều nông dân có thêm kiến thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là đối với những nông dân trồng lúa, đã góp phần thay đổi lối canh tác cũ, tham gia vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập, tạo cuộc sống ngày càng khấm khá lên.


Xã Viên Bình của huyện Trần Đề, cũng nhờ có trên 70% dân số là đồng bào Khmer, cũng là xã có diện tích cánh đồng mẫu lớn nhất của huyện, với trên 1.500 ha. Ông Trần Nhênh, một nông dân Khmer sản xuất giỏi ở ấp Trà Ông của xã, cho biết: Trước khi bước vào thời vụ, Trung tâm dạy nghề huyện đã mở lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao giống lúa ST cho các nông dân trong ấp. Có kinh nghiệm trong sản xuất, cộng thêm kiến thức mới từ học nghề nên ai cũng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Gia đình ông có hơn 12 ha đất làm lúa đã đưa vào áp dụng mô hình cánh đồng mẫu. Nắm rõ về kỹ thuật trồng lúa ST nên dù mùa lúa Hè thu hay Đông xuân, gia đình ông luôn trồng giống lúa đặc sản ST, năng suất thường đạt trên 8 tấn/ha/vụ.


Chuyển dịch cơ cấu lao động


Theo ông Lâm Thanh Phong, Giám đốc Sở Lao động TBXH tỉnh Sóc Trăng: Cách làm có hiệu quả của Sóc Trăng gần đây là lựa chọn các xã điểm, xã nông thôn mới để chỉ đạo triển khai điểm, chọn các mô hình điểm; xây dựng lồng ghép Ðề án 1956 vào kế hoạch dạy nghề chung của tỉnh; gắn nhu cầu học nghề của người lao động với giải quyết việc làm sau học nghề. Các lớp dạy nghề theo mô hình gắn với doanh nghiệp, nghề truyền thống đã giúp lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào Khmer dễ tạo được việc làm mới, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống...


Để Đề án 1956 phát huy hiệu quả cao hơn, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết việc làm, để người lao động sau học nghề có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và đội ngũ giáo viên cơ hữu tại các cơ sở dạy nghề công lập, từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề và phát triển ngành nghề tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm cho lao động nông thôn…


Năm 2013, tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho 25.000 lao động, nhằm nâng cao kỹ năng nghề, trang bị kiến thức, tay nghề theo yêu cầu công việc và nhu cầu thị trường lao động; tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2013, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 37%.


Bài và ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN