Đất không phụ người

Nhiều vùng đất ở các huyện nghèo của tỉnh Lào Cai thích hợp với một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Đất không phụ người


Là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn có 6 thôn biên giới, với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, nhưng mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, Lào Cai đều giảm từ 7 - 8%. Đời sống của bà con dân tộc đổi thay từng năm. Theo thống kê sơ bộ, vụ giáp hạt tới đây xã chỉ còn 15 hộ cần cứu đói.

Cây quýt thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Khương.



Đi vào tận từng thôn, bản, mới thấy được đời sống của người dân đã khác trước nhiều. Ông Ly Sảo Chín, Trưởng thôn Cốc Ngù, đồng bào Pa Dí kể: “Cả đời tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, chưa bao giờ thấy dân bản mình khá như vậy. Lúc trước toàn phải ăn bữa nay, lo bữa mai, làm gì biết đến cái tivi, xe máy. Giờ thì gần như nhà nào trong thôn cũng có ít nhất một cái. Đủ ăn rồi nên chỉ nghĩ đến làm giàu, con cháu được đến trường đầy đủ”.

Ông Ma Chiến Phúc, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết: “Đất đai ở Nậm Chảy không thiếu, lại rất màu mỡ. Dựa vào chất đất của từng khu vực, chúng tôi đưa ra kế hoạch sản xuất như: Khu vực biên giới tập trung phát triển trồng chuối với hơn 50 ha, ở trung tâm xã sản xuất ngô hàng hóa, ở khu vực vùng cao tập trung trồng cây thảo quả. Đó đều là những cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao, vì vậy bà con sản xuất ra được nhiều ngô, chuối và cây dược liệu lắm... Nhờ đó, đời sống của bà con mấy năm nay đã bắt đầu khá lên”.

Nhận thấy chất đất ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn thích hợp với cây quýt ngọt, từ năm 2013, huyện Mường Khương đã chủ động đưa Dự án trồng quýt vào thâm canh ở các xã: Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ và thị trấn Mường Khương. Đến nay, cây quýt đã phát triển được gần 300 ha; diện tích cho thu hoạch là 30 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tổng giá trị kinh tế do cây trồng này mang lại khoảng 5 tỷ đồng/30 ha. So với những cây trồng khác, quýt mang lại giá trị kinh tế cao hơn và mùa vụ thu hoạch khá ổn định.

Đồng bào Mường Khương kè ao nuôi cá, chuyển đổi cây trồng vật nuôi.



Anh Giàng Seo Di, xã Tả Ngài Chồ, tâm sự: “Gia đình tôi trồng quýt từ nhiều năm trước, nhưng ban đầu do không được hỗ trợ, nên phải chủ động tìm nguồn giống và “học mót” kỹ thuật, do đó năng suất không cao. Từ khi tham gia Dự án, cây quýt tăng cả năng suất và chất lượng. Năm 2014, gia đình tôi thu hoạch trên 3 tấn quả, thu gần 50 triệu đồng”.

“Quýt Mường Khương ngon, ngọt nổi tiếng, nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, cũng không sợ mất giá. Đến nay, có thể khẳng định, việc đưa cây quýt ngọt vào sản xuất tại vùng cao khó khăn của Mường Khương đã phát huy hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội”, Phó Bí thư xã Tung Chung Phố, thiếu tá Trần Xuân Khánh, khẳng định.

Có thể nói, việc chuyển đổi có hiệu quả cây công nghiệp trên đất dốc, đất thiếu nước đã và đang là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp nông thôn ở Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung, giúp khai thác thế mạnh đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, góp phần thiết thực trong công cuộc xóa nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bài và ảnh: Trọng Thủy

Tuyên Quang giảm nghèo nhờ chè Shan tuyết
Tuyên Quang giảm nghèo nhờ chè Shan tuyết

Chè Shan tuyết đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang, Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN