Đậm nghĩa tình Ngày giỗ Bác của đồng bào Mường ở Quảng Nam

Cách đây hơn 30 năm, những gia đình người Mường đầu tiên đến từ tỉnh Hòa Bình đã chọn thôn 5, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam làm nơi xây dựng cuộc sống mới.

Trải qua năm tháng, cộng đồng người Mường ở đây đã nỗ lực vươn lên, có cuộc sống ổn định và xây dựng thôn trở thành trở thành một điểm sáng về văn hóa ở khu vực.

Nhà sàn truyền thống của người Mường ở Trà Giang (Quảng Nam). Ảnh: baoquangnam.vn

Đối với người dân nơi đây, trên hành trình lập nghiệp ở vùng đất mới, việc học tập và làm theo Bác đã giúp đồng bào có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay. Từ trung tâm xã Trà Giang, con đường bê tông mát mịn dưới những hàng cau trĩu quả dẫn vào thôn 5- nơi sinh sống của 116 hộ gia đình người Mường. Điều dễ nhận thấy sự khác biệt trong không gian sinh sống của đồng bào người Mường với các dân tộc anh em khác ở huyện Bắc Trà My chính là ở những ngôi nhà sàn.

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Bùi Văn Quyên - một hộ dân tộc Mường được xem là to và đẹp nhất ở thôn 5. Phía ngoài mái hiên của ngôi nhà có những giò lan khoe sắc, bao quanh là khu vườn trồng rau, cây ăn trái xanh mát. Bên trong phòng khách- không gian sinh hoạt chính của người Mường là ảnh Bác Hồ được chủ nhà treo trang trọng, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Bác.

Theo ông Bùi Văn Quyên, từ lâu người Mường có phong tục treo ảnh Bác trong nhà nên mọi người dù có sinh sống ở nơi nào đi nữa đều giữ nét văn hóa này. Ở thôn 5, xã Trà Giang hiện nay nhà nào cũng treo ảnh Bác và đồng bào thường tổ chức đón Tết Độc lập 2/9 cũng là ngày giỗ của Bác Hồ rất trang trọng. Vào ngày giỗ của Bác, mọi người trong thôn dù có đi làm ăn ở xa đều cố gắng trở về bên gia đình, cùng nhau làm mâm cơm dâng lên Bác. Sau đó, mọi người đến nhà nhau thăm hỏi, chúc tụng như trong dịp Tết cổ truyền. Còn trong ngày sinh nhật Bác 19/5, mỗi gia đình trong thôn đều treo cờ Tổ quốc để tưởng nhớ Bác.

Nói về quá trình hình thành nên cộng đồng người Mường ở thôn 5, ông Bùi Văn Quyên cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số thanh niên họ Bùi người Mường từ tỉnh Hòa Bình đi bộ đội đóng quân tại Quảng Nam. Sau này, họ đã đưa gia đình từ quê hương Hòa Bình trở lại mảnh đất này để lập nghiệp. Khi thấy mảnh đất Bắc Trà My có nhiều tiềm năng chưa được khai phá, đất đai sản xuất rộng lớn, các dân tộc anh em sống hòa thuận, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, những hộ đến trước lại tiếp tục đưa người thân ở các địa phương khác đến chung tay xây dựng vùng đất mới.

Già Mớp - người Mường đầu tiên định cư ở Bắc Trà My (Quảng Nam). Ảnh: baoquangnam.vn

Theo ông Bùi Văn Phưởng, Trưởng ban họ Bùi ở thôn 5, ngày trước đất sản xuất của thôn rộng lớn nhưng chủ yếu là đất đồi dốc nhưng hệ thống thủy lợi hầu như không có nên người dân bản địa chỉ canh tác được lúa rẫy. Làm theo lời Bác dạy, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, bà con trong thôn đã chung sức, kiên trì cải tạo những quả đồi trọc thành những thửa ruộng bậc thang và dẫn nước suối về để trồng lúa nước. Hiện nay, trung bình mỗi hộ trong thôn có ít nhất 5 sào lúa nước. Người dân ở đây từ chỗ hằng năm thường thiếu ăn vào thời điểm giáp hạt, nay nhà nào trong kho cũng có vài tấn thóc dự trữ. Ngoài ra, đồng bào còn làm kinh tế rừng, phát triển trồng cây keo nguyên liệu cho thu nhập cao.

Đồng bào người Mường ở thôn 5 thường quan niệm “Thóc là khóa, văn hóa là chìa”. Tức là muốn thoát được cái đói, cái nghèo, vươn lên làm giàu thì con người phải có tri thức để làm chủ cuộc sống. Vì vậy, ở thôn 5 phong trào hiếu học rất phát triển. Trưởng ban họ Bùi ở thôn 5 ông Bùi Văn Phưởng cho biết thêm, ban lãnh đạo của thôn thường phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt kịp thời tình hình học tập của con em.

Trong các buổi sinh hoạt của thôn, những người lớn tuổi luôn căn dặn các cháu nhỏ thực hiện tốt “Năm điều Bác hồ dạy”, học Bác từ những việc nhỏ nhất hằng ngày. Từ phong trào hiếu học, nhiều con em của thôn 5 đã học hành thành đạt, trở thành những giáo viên, công chức, bác sĩ đóng góp vào sự phát triển của huyện miền núi Bắc Trà My. Trong 3 năm liền (2014- 2016), thôn 5 đều đạt danh hiệu thôn văn hóa. Hiện nay, thôn 5, xã Trà Giang còn được biết đến như là thôn không có bạo lực gia đình, không có người mắc các tệ nạn xã hội, không có tình trạng tảo hôn…

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My ông Trần Anh Tuấn cho biết: Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, trong đó có đồng bào Mường di cư từ phía Bắc vào lập nghiệp. Ở trên vùng đất mới, đồng bào dân tộc Mường rất chăm chỉ lao động sản xuất và giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Hiện nay, thôn 5 là một điểm sáng của huyện trong phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới, trở thành hình mẫu để huyện nhân rộng ra những thôn, bản khác.

Đỗ Trưởng (TTXVN)
Đồng bào Mường làm giàu từ cây thanh long
Đồng bào Mường làm giàu từ cây thanh long

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ, ruột tím đã mở ra cơ hội làm giàu mới cho bà con dân tộc thiểu số Phú Thọ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN