Đặc sắc chợ phiên vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên

Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên được biết đến là vùng đất có cảnh vật hùng vĩ với những núi đá tai mèo sừng sững, những thửa ruộng bậc thang quanh co uốn lượn... Đặc biệt, Tủa Chùa còn lưu giữ nét văn hóa chợ phiên đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao.

Những thiếu nữ người Mông lần đầu tiên được xuống chợ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 150 km, chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè huyện Tủa Chùa họp vào ngày con gà và con mèo (ngày Dậu và ngày Mão). Chợ họp ở trung tâm xã, phục vụ trao đổi, mua bán và giao lưu gặp gỡ của người dân các xã Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng; trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

Hàng hóa được bày bán tại chợ rất phong phú và đa dạng, từ trang phục thổ cẩm đến các mặt hàng nông sản, vật dụng gia đình. Hầu hết đều là “cây nhà lá vườn”, do những người dân trong vùng tự trồng, nuôi, hay hái trong vườn, trong rừng như lợn, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, rau củ, đỗ tương... và không thể thiếu những đặc sản của người dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa đó là gà đen và rượu Mông Pê nấu từ ngô.

Các mặt hàng nông sản được bày bán tại phiên chợ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Mặt hàng phổ biến nhất bày bán ở chợ vẫn là hàng thổ cẩm. Đồng bào mang đến chợ những bộ quần áo, chiếc váy, cái khăn, túi đeo chéo, đôi giày đều được thêu thủ công tỉ mỉ. Từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục vô cùng tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng cho mỗi dân tộc.

Các mặt hàng được bày bán tại chợ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Chị Hạng Thị Ly, xã Xá Nhè cho biết: Tôi và em gái hàng ngày tranh thủ sau thời gian làm rẫy ở nhà may trang phục để mang ra chợ bán. Cứ đến ngày chợ phiên, hai chị em lại mang những mặt hàng đẹp nhất để bán cho khách hàng. Các mặt hàng có giá từ 100.000 - 300.000 đồng, mỗi lần họp chợ cũng bán được vài triệu đồng. Nhờ vậy gia đình có tiền để mua đồ ăn và vật dụng trong nhà.

Khách mua hàng lựa chọn sản phẩm ưng ý. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Không chỉ có đồng bào dân tộc ở địa phương, chợ phiên Xá Nhè còn có cả khách thập phương đến tham quan, khám phá. Chị Nguyễn Hải Yến, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Lần đầu tiên tôi tham gia chợ phiên, thực sự rất thú vị. Ở đây có rất nhiều mặt hàng rất độc đáo, không thể mua ở miền xuôi. Tôi đã mua cho mình một chiếc áo của người Mông để về khoe với bạn bè.

Những phụ nữ người Mông mang theo con xuống chợ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa có 3 địa điểm tổ chức chợ phiên đó là tại xã Xá Nhè, xã Tả Sình Thàng và trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Từ lâu, chợ phiên luôn là nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống của bà con dân tộc vùng cao Tủa Chùa.

Chợ là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con các dân tộc. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là ngày hội của bà con vùng cao. Bà con đi chợ để gặp gỡ, giao lưu sau một tuần lao động mệt nhọc. Chợ còn là nơi để các nam thanh nữ tú tìm đến nhau để rồi kết duyên. Chị em phụ nữ tụm năm, tụm ba chuyện trò vui vẻ, các chàng trai thì giắt lưng chiếc sáo, chiếc khèn. Đến khi gặp được cô gái ưng ý lại dùng tiếng khèn, tiếng sáo thay lời bày tỏ tình yêu.

Một góc chợ phiên. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Sau một ngày tràn ngập tiếng nói cười, lúc mặt trời xế bóng cũng là lúc chợ tan, mọi người chia tay nhau trở về với công việc nương rẫy thường ngày, cùng hẹn nhau ở phiên chợ sau.

Trịnh Xuân Tư (TTXVN)
Đặc sắc phiên chợ vùng cao Sin Suối Hồ
Đặc sắc phiên chợ vùng cao Sin Suối Hồ

Chợ vùng cao bản Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện biên giới Phong Thổ, nằm cách thành phố Lai Châu chừng 30 km. Hình thành từ khi bản Sin Suối Hồ là bản du lịch năm 2014, chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN