Cuộc sống mới của người Mông nơi cổng trời Mường Lát

Mường Lát là huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhất tỉnh Thanh Hóa với hơn 2.000 hộ, 13.600 khẩu (chiếm 90% đồng bào dân tộc Mông).

Cán bộ nông nghiệp và nhân dân huyện Mường Lát tham quan mô hình trồng thâm canh cây lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Đồng bào dân tộc Mông của huyện Mường Lát có phương thức, tập quán làm ăn lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, đời sống nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đồng bào người Mông nơi cổng trời huyện Mường Lát đã có nhiều đổi thay.

Ở hầu hết các thôn bản, bà con khi làm nương rẫy đã biết khai hoang ruộng lúa nước và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng thôn bản văn hóa mới. Đặc biệt, huyện đang triển khai dự án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Mông”.

Dự án đã làm thay đổi nhiều bản làng người Mông cũng như đồng bào dân tộc ở huyện Mường Lát. Đến nay, huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng gần 3.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, 22 trung tâm cụm xã, trên 200 công trình nước sinh hoạt tập trung cho thôn, bản; 100% số xã và trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia...

Ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Những năm tới, huyện tập trung sắp xếp lại dân cư, đất đai hợp lý để đồng bào dân tộc Mông có đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng đưa các mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững bằng những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Huyện triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng..., góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, để cuộc sống đồng bào Mông ngày càng ổn định bền vững.

Bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để giúp bà con nơi đây thoát nghèo, ổn định cuộc sống, huyện Mường Lát đã triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ như Chương trình 30a, 134, 135...

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong bản đã đầu tư hiệu quả các dự án cây trồng, vật nuôi. Tổng đàn gia súc hiện nay của bản có hàng trăm con trâu, bò, dê, lợn và hàng ngàn con gia cầm khác.

Chăm sóc rừng xoan của gia đình. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Nhân dân trong bản tập trung đẩy mạnh công tác trồng rừng, đến nay đã có 73 ha rừng trồng, bình quân đạt 1,14 ha rừng/hộ, qua đó giúp đời sống của người dân được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Cùng với phát triển chăn nuôi, nhân dân trong bản còn mở rộng diện tích sản xuất lúa nước lên 12,3 ha, cơ bản đáp ứng lương thực phục vụ đời sống.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của bản hàng năm đạt 8,6%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-5%/năm, 100% con em trong độ tuổi đều đến trường, gia đình văn hóa đạt 73,43%. Bản Pom Khuông phấn đấu đến hết năm 2017 đạt bản nông thôn mới, trở thành bản đầu tiên của người Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng điều kiện như xã Tam Chung, xã Pù Nhi nơi có tới gần 80% số dân là người dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, nhắc đến Pù Nhi, người ta thường nghĩ đến một xã vùng cao, biên giới nhiều gian khó, cái đói nghèo luôn đeo bám người dân nơi đây.

Những năm gần đây, Pù Nhi đang vươn mình trỗi dậy, bằng sự nỗ lực của từng hộ gia đình từ việc tích cực tăng gia, sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu trên chính quê hương mình. Xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó là những diện tích lúa nương kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng ngô lai năng suất 30-40 tạ/ha; mô hình trồng lúa nước vụ mùa, chăn nuôi gà thịt đen tại bản Na Tao, nuôi dê tại bản Cơm của đồng bào dân tộc Mông…


Từ một xã mỗi năm thiếu hàng chục tấn lương thực, đến nay, Pù Nhi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn sản xuất theo hướng hàng hóa; đã chủ động nhân rộng mô hình trồng lúa nước lên 75,8 ha, 270 ha lúa rẫy; 350 ha ngô lai; 55 ha sắn; tổng đàn gia súc hơn 4.000 con, đàn gia cầm 9.000 con, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

Người dân trong xã cơ bản đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được sử dụng điện lưới quốc gia. 98% số trẻ được đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ phòng học các cấp được kiên cố hóa đạt 80%; tình trạng di cư tự do giảm đáng kể...

Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào Mông ở xã Pù Nhi luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, nâng cao các hoạt động văn hóa, thể thao. Xã đã khai trương được 10 bản văn hóa, một cơ quan văn hóa và công nhận lại hai làng văn hóa cấp huyện.

Đặc biệt, đồng bào nơi đây đã xóa bỏ được tập tục lạc hậu trong tang ma của đồng bào Mông từ chỗ cúng bái người chết hàng tuần và mổ trâu, gà tiếp khách, đến nay thủ tục này chỉ diễn ra từ 1-2 ngày.

Với những nỗ lực kể trên, đồng bào người Mông nơi cổng trời huyện Mường Lát ngày càng có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
 
Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Người tiên phong làm kinh tế rừng ở Mường Lát
Người tiên phong làm kinh tế rừng ở Mường Lát

Từ một huyện vùng cao nghèo thuộc diện 30a xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát đang từng ngày vươn lên bằng những mô hình kinh tế phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN