Cung cách ứng xử trong ăn uống của người Thái Lai Châu

Ăn - mặc - ở đều mang những nét riêng biệt đặc sắc tạo nên văn hóa của mỗi tộc người. Ăn mặc thời xưa cộng đồng xã hội người Thái đều có những quy định rõ ràng để phân biệt đẳng cấp, độ tuổi hay vai trò, vị trí và giới tính trong gia đình. Đặc biệt là việc ăn uống.

Các lễ cúng hiện nay đã có sự hiện diện của người phụ nữ mà trước kia không bao giờ có.

Trong gia đình, đàn bà, con gái, con rể không bao giờ được ngồi cùng mâm với ông chủ nhà và đàn ông. Dù đi ăn cỗ cưới, cỗ nhà mới của người khác cũng vậy. Họ hàng gần xa gì không cần tính, nếu cùng dự một bữa cỗ thì đàn bà, con gái không được ngồi cùng mâm đàn ông bề trên (chú, bác, anh…) có buộc phải ngồi cùng mâm thì phải ngồi xổm mà ăn. Trong đám cưới lễ lên nhà mới của người Thái bao giờ người ta cũng bố trí mâm cho người cao tuổi (đàn ông, trung niên, thanh niên) một dãy hoặc một khu riêng. Trong xã hội, khi mường, bản có lễ không bao giờ án nha, tạo phìa ngồi ăn cùng mâm với quan nhỏ trong mường (síp hôốc thảu ké) 16 kỳ mục, chứ chưa nói gì đến dân thường; con cái của họ cũng có thể vui chơi cùng con cái thường dân ở phần Hội nhưng đã ở phần Lễ, ăn uống thụ lộc thần linh thì cũng được dành riêng một nơi không ngồi chung mâm với con cái dân thường.

 

Người phụ nữ đã biết ăn diện, chải chuốt thật đẹp để đi ra đường hay đi hội hè nơi đông người...


Sự bất công của chế độ phong kiến cũng thể hiện ngay trong cung cách ăn uống của một gia đình. Chẳng hạn như: Đàn ông uống rượu thì có từ chiều đến sáng hôm sau, đàn bà cũng phải túc trực để thêm rượu, làm thêm thức ăn, thay canh nóng, thậm chí là dọn những nôn mửa của họ. Con rể thường phải làm lụng vất vả. Sáng dậy sớm ra suối kiếm cá. Tối đi nương ruộng về cũng có khi phải lên rừng săn bắn thú, ra suối kiếm cá đến gần sáng, dù quá bữa cũng không bao giờ được phần đồ ăn tử tế. Nhà ăn thừa gì thì về ăn thức ăn đó.

 

Người Thái rất hiếu khách. Khách đến nhà dù có con gà cuối cùng hay chỉ còn một chút thức ăn cũng mang đãi khách. Và dù có mổ mấy con gà thì miếng ngon bao giờ cũng mang ra mâm khách. Thậm chí nếu ít thì mâm đàn bà, trẻ em chỉ có rau muối.

 

Nam giới và phụ nữ cũng không mấy khoảng cách trong sinh hoạt, họ cùng nắm tay nhau múa xòe đoàn kết.


Sự phân biệt đẳng cấp trong món ăn, cách ăn cũng rất rõ nét. Ở Tây Bắc xưa và nay vẫn còn lưu truyền về sự tàn bạo của Đèo Văn Long – một ông vua Thái nổi tiếng độc ác. Độc ác cả trong ăn uống. Chuyện rằng, Đèo Văn Long truyền lệnh chỉ có ông ta mới được dùng sâu chít – một dạng côn trùng được coi là rất bổ dưỡng. Đến mùa, tạo của bản Chang, bản Chậư và các bản trong vùng bắt dân cống nộp sâu chít theo chỉ tiêu. Nhà nào nộp thiếu thì bị phạt. Dân thường nào dám cả gan uống rượu sâu chít chế biến ăn sâu chít để ăn sẽ bị phạt nặng thậm chí bị chặt tay.

 

Nhưng có lẽ cũng chỉ ở vùng Mường Lay – thời Đèo Văn Long mới vậy. Sông núi Lai Châu giàu có về muông thú, tôm cá không thiếu gì của ngon, vật lạ, tất cả những thức đó cả quan tạo và dân thường đều có quyền ăn như nhau. Chỉ có điều ở các vùng khác nhau dân có thể lấy đó làm món quà biếu các giá bà Nàng sao (vợ con tạo mường) hoặc biếu tạo bản.

 

Người Thái rất phóng khoáng trong ăn uống. Nếu một nhóm người (đàn ông) đi săn bắt thú mà được thú về sau khi chia nhau họ mang về nhà chế biến món ăn và gọi anh em, họ hàng đến cùng ăn. Tất nhiên, thú săn về cũng phải dành một phần nhất định nộp cho quan tạo theo lệ bản luật mường.

 

Tuy nhiên, ngày nay cung cách ăn uống của người Thái đã có nhiều tiến bộ. sự hà khắc hay phân biệt xã hội không còn, nhường vào là sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và thôn bản... nhưng một số tập tục về ngôi thứ trong ăn uống và lòng hiếu khách thì vẫn còn tồn tại như một nét sinh hoạt đáng trân trọng của tộc người này.

 

Việt Hoàng 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN