Công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Chiều 21/6, Hội thảo về tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số đã diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố, cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước…

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định “phải xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…, phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35 - 40%.

Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc đề ra mục tiêu “xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có phẩm chất chính trị, năng lực công tác và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; có cơ cấu, số lượng cán bộ phù hợp trong hệ thống chính trị”…

Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, thực trạng hiện nay cho thấy, để đạt mục tiêu đề ra cần phải tìm những giải pháp thiết thực, mang tính đột phá, có tính khả thi cao nhằm kịp thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ nữ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác này.

Thay mặt các đồng chí chủ trì hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính mong các đại biểu tập trung thảo luận, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế, tìm ra những giải pháp đột phá, khả thi…

Theo báo cáo, trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số từng bước được tăng cường, nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, số lượng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Khái quát thực trạng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở cấp Trung ương cho thấy, hiện nay, tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trở lên.

Một số cơ quan có tỉ lệ cao như Thông tấn xã Việt Nam (41,8%), Đài Tiếng nói Việt Nam (25,2%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (24,1%).

Trong khi đó, ở cấp tỉnh, tổng số cán bộ nữ là 5.814 người, trong đó có 714 người, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp sở và tương đương trở lên (12,3%).

Một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đạt cao như: Lạng Sơn (24,4%), Lào Cai (19,1%), Hải Phòng (18,3%), Cần Thơ (18%).

Cấp huyện có 249 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 2.495 cán bộ nữ (10%); tương đương là 3.030/29.224 người ở cấp xã (tương đương10,4% cán bộ nữ).

Đối với cán bộ dân tộc thiểu số, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa tưng xứng với tỷ lệ dân số nữ, người dân tộc thiểu số. Số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt chưa cao, cơ cấu không đồng đều, nhiều nơi mất cân đối.

Chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tuy đã được nâng lên nhưng một số cán bộ chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hội thảo này rất có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị mà một trong những nội dung quan trọng là đổi mới công tác cán bộ.

Nêu rõ đây là lần đầu tiên Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các đại biểu đã có nhiều phát biểu thảo luận liên quan đến nhiều nội dung của báo cáo.

Các đại biểu đã phân tích rõ thêm thực trạng công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém và các nguyên nhân của các hạn chế trong thực tiễn thực hiện công tác này.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã nêu lên nhiều kiến nghị, quan điểm, định hướng, giải pháp tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ niềm tự hào về những thành tựu đã đạt được trong bình đẳng giới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; đồng thời cho rằng, kết quả đạt được trong thực tiễn thời gian qua chưa đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu đề ra trong các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước.


Đánh giá báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cơ bản đề xuất những giải pháp tiếp tục tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, về bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ công chức các ngành, các cấp về vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm mục tiêu bình đẳng giới, đoàn kết dân tộc, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác này; cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực và hiệu quả để xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Để từ đó lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, tham gia lãnh đạo quản lý, tạo điều kiện cho họ đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, bản thân cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành tấm gương, những nhân tố điển hình, lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Mỗi thành công, mỗi bước trưởng thành của người cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số đều có sự cổ vũ, lan tỏa lớn đối với phong trào chung. Do vậy, các cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phải có trách nhiệm động viên, có tinh thần tích cực học tập, phấn đấu, rèn luyện và với tự tin của giới nữ, của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần tiếp tục quan tâm, củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, các Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Nữ công công đoàn các cấp; tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác bình đẳng giới, công tác dân tộc, công tác cán bộ nữ, công tác cán bộ người dân tộc cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác cán bộ…

Đồng tình với những đề xuất, kiến nghị của Ban Tổ chức Trung ương về một số giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí chủ trương nếu ở nơi nào chưa đảm bảo được tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo yêu cầu sẽ cho bầu khuyết (tại Đại hội) và sẽ bầu bổ sung để bảo đảm số lượng, tỷ lệ theo đúng quy định; tăng chức danh cấp phó là nữ, là cán bộ dân tộc thiểu số ở những nơi còn thiếu; tuổi bổ nhiệm nữ giới giống như nam giới.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục đánh giá sát thực tình hình công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, rà soát lại các chính sách, pháp luật để đề nghị Bộ Chính trị, Đảng Đoàn Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong việc tổng kết, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật và các giải pháp về tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu về công tác này trong tình hình mới.

Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để hoàn thiện chính sách đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trình Bộ Chính trị để thống nhất quán triệt và tổ chức thực hiện.

Cho rằng việc tổ chức hội thảo về công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các địa phương có thể tổ chức những hội thảo cùng chủ đề trong phạm vi địa phương mình, từ đó tham mưu với Ban Tổ chức Trung ương nhằm góp phần hoàn thiện chính sách về cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
Cao Bằng cần tập trung đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số
Cao Bằng cần tập trung đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số

Ngày 15/4, Đoàn công tác của Bộ Chính trị do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng về triển khai thực hiện Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN