Cơ hội giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam vừa ký kết dự án “Xây dựng mô hình thể chế ngành hàng, chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê và Hợp tác xã kiểu mới tại các vùng trồng cà phê Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên”. Dự án nhằm góp phần giảm nghèo bền vững cho những khu vực này, đồng thời tăng cường năng lực cho người dân vùng sâu, vùng xa trong sản xuất.

Nông dân Hòa Bình tham gia phát triển vùng cà phê nguyên liệu cho Tập đoàn Thái Hòa.


TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, chương trình hợp tác giữa IPSARD và Tập đoàn Thái Hòa sẽ được triển khai trong 3 năm, nhằm xây dựng các tổ chức nông dân sản xuất cà phê dựa trên hệ thống quản lý chất lượng thực hành tốt như: Xây dựng mô hình HTX kiểu mới, chi hội trồng cà phê để tiến tới tổ chức chuỗi ngành hàng cà phê và kết nối 4 tỉnh với Tập đoàn Thái Hòa. IPSARD sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế có uy tín, để hỗ trợ Tập đoàn Thái Hòa xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu cho mặt hàng cà phê chè (Arabica) chất lượng cao, tiến tới bảo hộ thương hiệu mặt hàng này trong nước và trên thế giới. “Việc triển khai cơ chế hợp tác theo mô hình công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Cơ chế này cho phép giám sát, duy trì hoạt động của các HTX trồng cà phê kiểu mới và chuỗi cung ứng cà phê từ sản xuất đến phân phối; quản lý chất lượng theo chỉ dẫn địa lý, nên sẽ tạo dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu…”, ông Sơn cho biết.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, nhấn mạnh, thỏa thuận hợp tác với IPSARD sẽ giúp Tập đoàn chủ động về thông tin thị trường; hình thành các HTX trồng cà phê; xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu cà phê Arabica chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam theo quy trình khép kín từ trồng, chế biến, đến kiểm soát chất lượng, phân phối… Đặc biệt, trong tổng vốn 400 tỷ đồng mà Tập đoàn đầu tư cho chương trình hợp tác với IPSARD, thì phần lớn nguồn vốn dùng để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, trực tiếp tham gia dự án trồng cà phê để tạo lập vùng nguyên liệu cho Tập đoàn. Để mang lại lợi nhuận cao cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp, toàn bộ diện tích trồng cà phê nguyên liệu của Tập đoàn chỉ trồng cà phê Arabica.

Thời gian qua, Tập đoàn Thái Hòa đã đầu tư theo hướng coi nông dân là cổ đông, đầu tư trực tiếp cho nông dân. Tại các địa bàn như Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Trị…, Tập đoàn đã huy động sức dân tham gia phát triển các vùng nguyên liệu cho Công ty theo phương thức: Nông dân góp đất, góp công, Tập đoàn hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật… cho nông dân để phát triển các vùng cà phê nguyên liệu. Đặc biệt, trong thỏa thuận hợp tác lâu dài giữa hai bên, Tập đoàn cam kết bao tiêu sản phẩm với giá có lãi cho các hộ trồng cà phê không phụ thuộc biến động giá trên thị trường.

Nhờ cách làm này mà đến nay Tập đoàn đã có được diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, tại tỉnh Điện Biên, Tập đoàn đang triển khai 3 dự án trồng cà phê Arabica. Dự án cà phê Mường Ẳng với diện tích 1.000 ha, trong đó từ năm 2008 đến nay đã trồng 400 ha, dự án sẽ kết thúc vào năm 2013. Trong số diện tích đã trồng thành công, thì năm 2011 sẽ có trên 300 ha cho thu hoạch. Dự án thứ hai là dự án cà phê Tuần Giáo có diện tích 500 ha, đã trồng gần 300 ha và kết thúc vào năm 2012. Riêng Dự án cà phê Mường Nhé với diện tích 1.500 ha đang trong giai đoạn khảo sát để lập dự án và dự kiến triển khai vào đầu năm 2013. Tại tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn đang triển khai kế hoạch trồng 850 ha, phần lớn diện tích trong số 100 ha cà phê đã trồng bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2011. Tập đoàn Thái Hòa cũng đã trồng thành công 200 ha cà phê tại tỉnh Quảng Trị và đang trong giai đoạn kinh doanh.

Ngoài dự án trồng cà phê tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn trong nước, Tập đoàn Thái Hòa còn đang triển khai nhiều dự án trồng, chế biến cà phê, cao su tại nước bạn Lào như: Dự án trồng 1.000 ha cà phê tại tỉnh Champasak, 2.000 ha tại tỉnh Savănnakhet, trong đó đã trồng thành công 400 ha; Dự án trồng 5.000 ha cao su tại Savănnakhet, trong đó đã trồng được 220 ha…

Bài và ảnh: Hữu Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN