Chuyện những người lính quân hàm xanh

Khi năm 2010 gần hết, miền Bắc đón đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông, chúng tôi chạy ngược chiều gió mùa đông bắc để lên với đất Hà Giang, thăm các chiến sĩ biên phòng (những người lính mang quân hàm xanh).


Lên đến thành phố Hà Giang "chạm mặt" cơn rét đậm, hôm sau cái rét còn đậm đà hơn. Thế mà lúc sắp xuất phát từ Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang để lên vùng biên giới, mấy người lính ở Bộ chỉ huy còn cảnh báo: Chuẩn bị mà thành hàng đông lạnh nhé!

Quả thực, những ngày ấy, vùng biên Hà Giang lạnh thấu xương. Nhưng chúng tôi đã được “sưởi” bởi những tình cảm nồng ấm mà lính biên phòng dành cho các nhà báo. Và bởi chúng tôi có nhiều điều để quan sát và suy ngẫm nên cái rét bị lùi xuống hàng thứ yếu.

Hầu Nhè Pó (ngoài cùng bên trái) trong niềm vui đón nhận ngôi nhà đại đoàn kết. Ảnh: Viết Tôn


Đường lên vùng cao của Hà Giang đã được trải nhựa phẳng lỳ, tốt hơn nhiều so với cách đây chục năm. Nhưng đường toàn bám núi, cua tay áo liên tục, ô tô không thể đi nhanh. Mà các đồn biên phòng cách nhau khá xa. Ngồi ô tô nửa ngày, thậm chí già nửa ngày, người cứ đảo liên tục, hết qua phải lại sang trái, như tập thể dục nhịp điệu, mới đến được một điểm đồn.


Cuối năm, công việc đuổi sau lưng nên trong chuyến đi này, chúng tôi chỉ thăm được ba nơi. Đi từ đồn biên phòng Phố Bảng đến đồn Lũng Cú của huyện Đồng Văn (nơi sở hữu phần lớn cao nguyên đá vừa được công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất thế giới) trở lại đồn Bạch Đích (huyện Yên Minh), nghe nhiều chuyện, chứng kiến và trải nghiệm một số điều, cảm nhận sau chuyến đi của chúng tôi có thể gói trong 2 chữ K và 2 chữ T.

K và T đầu tiên...

Chữ K đầu mà chúng tôi cảm nhận được trong chuyến đi là viết tắt của từ “Khéo”. Ấn tượng ấy đã được một nữ phóng viên trong đoàn chúng tôi tổng kết khi cô thốt lên: Bộ đội biên phòng thật là khéo!

Nói bộ đội biên phòng khéo thì thoạt nghe có vẻ không hợp lắm với hình dung về những người trai cả đời theo binh nghiệp, sống và làm việc theo quân phong quân kỷ. Ấy nhưng đó lại là sự thực.

Khi gặp Chính ủy Nguyễn Đình Hùng ở Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang, được ông đón tiếp nồng nhiệt và giới thiệu rất hay về việc làm của những người lính canh giữ đường biên cho Tổ quốc, chúng tôi thầm phục song lại nghĩ rằng “Chính ủy mà…”.


Nhưng rồi những người lính chúng tôi gặp trong chuyến công tác này đã dẫn chúng tôi đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở đồn Phố Bảng, đồn trưởng Vũ Quang Vịnh và chính trị viên Nguyễn Văn Luyện hình thức thật khác nhau, rõ là một anh võ và một anh văn. Rồi thượng úy cắm bản Nguyễn Văn Nam ở xã Phố Là, trông như một thầy giáo, đại úy Tạ Quang Tiến “cắm” ở xã Sủng Là, chân chất đúng hiệu “nông dân miền Bắc”, chính trị viên phó Phan Văn Minh với cặp kính trắng thì như sinh viên mới ra trường. Mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng nói chuyện rất cởi mở và thuyết phục.


Lũng Cú, Bạch Đích cũng vậy. Nơi nào chúng tôi cũng bị bộ đội biên phòng “chinh phục”. Đồn trưởng Bạch Đích Phạm Hồng Sơn cao lớn mà kể chuyện rất có duyên. Còn chính trị viên phó Nguyễn Văn Hùng của Lũng Cú thì… giọng thuốc lào mà “vào chuyện” ra phết.

Chắc chắn rằng không phải anh bộ đội biên phòng nào cũng khéo bởi trời sinh. Mà nhiều phần đó là một sự rèn luyện trong công tác. Nơi sơn cước này, đồng bào dân tộc thiểu số lắm nỗi thiệt thòi, bởi ít được học, mưu sinh cực kỳ vất vả, đã đói nghèo lại còn bị gánh nặng hủ tục. Muốn nâng chất lượng sống cho người dân, các chiến sĩ biên phòng phải kiên trì vận động bà con từng việc, từng việc một.


Nào là khi có người chết, không để ở nhà 4, 5 ngày rồi mới chôn. Nào là khi ốm thì không mời thầy cúng mà ra trạm xá để được khám, được cho thuốc. Nào là cho con em đến trường đi học cái chữ. Rồi với người đã giác ngộ ít nhiều thì vận động bà con không sợ nợ nần, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua lợn, mua trâu về nuôi; nếu mua được xe máy phải đi đúng luật và đội mũ bảo hiểm…


Nói cách này không được, các anh lại dùng cách khác, khi thì lý, khi thì tình, khi thì phải cả lý lẫn tình để thuyết phục người dân. Trung tá Vũ Quang Vịnh đã kể cho chúng tôi nghe chuyện anh phải vận động mãi một gia đình người Mông mới đồng ý chôn cất con trai sau 2 ngày để người chết “tại gia” mà không chờ đến 4 - 5 ngày như tục lệ.


Còn đại úy Tạ Quang Tiến thì có thể gọi là “siêu khéo”, nếu nhìn vào thành quả dân vận: Anh đã vận động mấy chục gia đình ở xã Sủng Là (Đồng Văn) cho con cái đi học.

Được những người lính biên phòng giúp đỡ về nhiều mặt, đời sống người dân vùng cao ngày một khấm khá. Ảnh: Viết Tôn


Nhưng trong công tác vận động quần chúng, nếu chỉ khéo thôi thì không đủ. Chữ Tâm trong mỗi người lính biên phòng mới thực sự làm nên sức thuyết phục đối với người dân.


Chúng tôi đã thấy chữ tâm ấy trong ánh mắt đại úy Tạ Quang Tiến khi anh tận tình phổ biến chính sách cho các cán bộ thôn bản. Trung úy Phúc ở đồn Bạch Đích cũng thế, anh chỉ dẫn bà con dùng mõ (trong chương trình tiếng mõ an ninh), dùng gậy để tự vệ với tất cả sự nhiệt tình của tuổi trẻ.


Chữ tâm cũng hiển hiện trong hành động của những người lính xây nhà đại đoàn kết cho dân, khám bệnh cho dân, coi việc của dân như việc của nhà mình. Chẳng thế mà khi một ngôi nhà đại đoàn kết xây năm ngoái bị mưa gió làm sạt lở, chúng tôi đã thấy chỉ huy đồn biên phòng Phố Bảng lập tức cử người xuống giúp dân sửa chữa ngay.

K và T đầu tiên là thế: Cái Tâm cộng với sự Khéo đã giúp lực lượng biên phòng vận động quần chúng thành công.

Một T nữa

Trong suốt chuyến công tác này, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện khó quên. Có câu chuyện rất cảm động. Nhiều chuyện thoạt nghe thì cười chảy nước mắt. Nhìn chung, bộ đội biên phòng đóng vai trò trung tâm giúp đỡ, phân xử, hòa giải mọi chuyện trong đời sống bà con ở vùng biên.


Trẻ nhỏ, phụ nữ bị bắt cóc - bộ đội biên phòng đi truy tìm, giúp các gia đình đoàn tụ. Có ca đẻ khó - bộ đội biên phòng giúp gọi cấp cứu. Mâu thuẫn hàng xóm láng giềng - gọi bộ đội biên phòng. Có tai nạn giao thông (chủ yếu là va chạm thôi, ở những nơi này, tai nạn giao thông không phải là vấn nạn như ở dưới xuôi) - biên phòng giúp phân xử. Thậm chí, vợ chồng không hòa thuận - cũng nhờ đồn giúp.

Tầng sâu của những câu chuyện nho nhỏ, tưởng như chuyện kể cho vui ấy, lại là một điều không hề nhỏ: Người dân vùng biên rất Tin cậy bộ đội biên phòng. Không được dân tin, sao họ có thể chia sẻ và cậy nhờ nhiều đến thế. Màu áo xanh biên phòng đã trở thành biểu trưng cho niềm tin của những người dân chất phác bản địa. Khi vui, khi buồn, khi gặp khó khăn, họ đều tìm đến các anh.

Và một K nữa…

C
ó một vĩ thanh mà chúng tôi nhận thấy thường ngân lên, nho nhỏ thôi, nhưng da diết, trong tâm tình của những người lính canh giữ biên cương đất nước, đó là nỗi nhớ nhà, khổ tâm vì ít điều kiện chăm sóc cha già mẹ yếu và vợ con.

Phải nói ngay là bộ đội biên phòng của ta bây giờ không đến nỗi thiếu thốn. Không ai đi bộ đội mà nghĩ đến lầu son gác tía, nhưng để chống chọi với mùa đông Hà Giang lạnh buốt khí núi, cán bộ và chiến sĩ có chăn đệm đầy đủ.


Giữa cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi thấy vườn rau của các đồn Phố Bảng và Lũng Cú vẫn xanh, bắp cải, rau cải và su hào tươi tốt, có củ su hào to bằng cái bát đựng canh. Bữa cơm của bộ đội ngọt vị rau tươi, có đạm, có béo. Đồn nào cũng có ti vi. Báo chí, tuy chưa nhiều và còn bị chậm, nhưng cũng đã có mặt trong phòng đọc của mỗi đồn biên.

Nỗi khổ mà chúng tôi cảm nhận được từ mỗi người lính là về tinh thần, là sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Đời lính, mỗi năm chỉ được về phép một lần, nếu thêm được lần tranh thủ thì tính ra thời gian gần gia đình cũng chỉ vài chục ngày.


Những câu chuyện đều thấm đẫm nỗi nhớ nhà. Thiếu úy Tưởng ở đồn biên phòng Lũng Cú kể, con trai anh cứ gọi điện, bảo bố ơi về dự sinh nhật con nhé. Còn thượng úy Nguyễn Văn Nam - “đặc phái viên” của đồn Phố Bảng cắm bản đã 6 năm ở xã Phố Là (Đồng Văn) thì da diết về nỗi nhớ vợ và hai con ở Vĩnh Phúc không ai đỡ đần…


Chính trị viên phó trẻ tuổi Phan Văn Minh ở đồn Phố Bảng thì kín đáo hơn, nhưng nét xao xuyến cũng không giấu được trong giọng nói hơi rung lên khi nhắc đến quê nhà, một huyện ở Nghệ An, cách nơi công tác đến vài ngày đường.

Mới hay, sau những gương mặt đàn ông phong trần, sau những lúc lăn lộn vì công việc, là những nỗi niềm ăm ắp. Và hiểu về nỗi niềm đó, mới hay rằng nghị lực trong mỗi người lính biên phòng lớn đến chừng nào. Không có nghị lực, họ sẽ không thể chiến thắng những tình cảm “người ta thường tình” để vững vàng nơi biên giới.

                                                      * * *

Chúng tôi rời Hà Giang mà thấy khó quên hình ảnh người đàn ông dân tộc Mông ở Phố Là có cái tên khó nhớ Hầu Nhè Pó. Hầu Nhè Pó nhỏ bé, một vợ, ba con trứng gà trứng vịt, nhà nghèo lắm. Khi được nhận ngôi nhà đại đoàn kết trị giá khoảng 70 triệu vào ngày giữa tháng 12 vừa rồi, Hầu Nhè Pó đã cười và nói rất hồn nhiên “Tôi giàu rồi”. Nụ cười bừng sáng chứa chan lòng biết ơn đối với những người lính biên phòng đã giúp người dân biên cương đổi đời; mang lại mùa xuân cho bản làng.

Chúng tôi rời Hà Giang, biết rằng nơi biên cương có những người trai hết lòng vì đất nước.

Nguyễn Thu Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN