Chuyện những cô giáo "cắm bản" ở Tà Tầu

Thôn Tà Tầu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) từ nhiều năm nay là điểm sáng trong phong trào vận động học sinh đến lớp; tỷ lệ chuyên cần luôn duy trì ở mức 100%. Kết quả đó có những đóng góp không nhỏ của các cô giáo trẻ luôn tận tâm với giáo dục vùng cao.

 

Cô giáo Trần Thị Hiền, giáo viên điểm trường thôn Tà Tầu, xã Pá Hu tâm sự: "Những ngày đầu lên công tác, gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, tôi đã dành nhiều thời gian để học tiếng Mông từ các già làng, trưởng bản và từ chính các em học sinh của mình. Dần dần, tỷ lệ chuyên cần của lớp đã đạt 100% trong mỗi năm học".

 
 

Hầu hết các em nhỏ ở vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái đã được đến trường. Trọng Thủy


Cô giáo Hiền ở miền xuôi tình nguyện lên thôn Tà Tầu, xã Pá Hu giảng dạy khi mới 23 tuổi. Hiện tại, cô chủ nhiệm lớp ghép (lớp 3 và lớp 4), với 18 học sinh. Để đảm bảo sĩ số lớp học, cô giáo Hiền luôn không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với lớp học vùng cao. Ngoài giờ dạy học, Hiền còn tranh thủ gặp các già làng, trưởng bản và phụ huynh học sinh, vừa vận động các em đến lớp, vừa tranh thủ trau dồi thêm vốn kiến thức tiếng Mông để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy chữ, dạy người.


Tại điểm trường thôn Tà Tầu, xã Pá Hu còn có 2 cô giáo trẻ Lê Ánh Nguyệt và Vũ Thị Ngọc. Mỗi người sinh ra ở một nơi, một tính cách khác biệt… nhưng các cô đều có chung tình thương yêu học trò, quyết tâm bám trụ, đem con chữ đến với học trò vùng cao. Vậy nên, vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, những cô giáo trẻ nơi đây để chia sẻ, động viên đã cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Cô giáo trẻ Lê Ánh Nguyệt tâm sự: "Điều trăn trở nhất với chúng tôi không phải là sự vất vả của bản thân mà là cuộc sống cơ cực, khốn khó của học sinh. Nhìn các em học sinh cơm không đủ no, mùa rét không đủ áo ấm, tôi cùng đồng nghiệp nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở, đồ dùng học tập và quyên góp quần áo, chăn màn, đem đến từng gia đình, động viên các em đi học...”.


"Các cô giáo trẻ ở đây nhiệt tình lắm, lên đây không chỉ dạy học sinh biết chữ mà còn thường xuyên giúp đỡ gia đình việc nhà và hỏi chúng tôi cách nói tiếng Mông. Tin tưởng các cô giáo, nên gia đình nào cũng cho con em đi học, chúng tôi quý các cô giáo lắm", bà Hờ Thị Máy, ở thôn Tà Tầu, xã Pá Hu cho biết.


Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận mà năm học nào điểm trường thôn Tà Tầu xã Pá Hu cũng đảm bảo tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 98% trở lên, chất lượng đào tạo được nâng lên. Học sinh đã thực sự coi mái trường như gia đình thứ 2 của mình.


Tà Tầu hôm nay đang từng ngày đổi mới, mái trường nhỏ nơi vùng cao vẫn ngày ngày vui tiếng trẻ đọc bài. Với những cô giáo lên cắm bản, dù bản xa hay bản gần, đường dễ hay đường khó... không còn là trở ngại. Mai đây, bù lại cho mỗi tuổi thanh xuân qua đi của thầy cô giáo vùng cao là những chủ nhân tương lai có đức, tài, sẽ góp phần dựng xây quê hương làng bản ngày một trù phú.


Tuấn Anh


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN