Chuối - cây trồng hiệu quả trên vùng đất đồi dốc

Với lợi thế trồng được trên đất đồi dốc và cho thu nhập cao, đạt 120 triệu đồng/ha, chuối đang trở thành cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).


 

Thu hoạch chuối ở xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

 

Xã Kim Bình có 1.097 hộ, với 4.709 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao... Trước đây, cây chuối chỉ được bà con coi như cây trồng để làm bờ rào, nhưng nay đã trở thành cây có giá trị kinh tế cao, chủ yếu dành để xuất khẩu. Để cây chuối có vị thế như hôm nay là cả một quá trình. Cách đây 5 - 6 năm, lãnh đạo xã đã đứng ra tín chấp với ngân hàng để giúp hộ nghèo vay vốn, nuôi lợn nái, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc nuôi lợn nái thất bại, nhiều hộ gia đình đã nghèo giờ càng nghèo hơn vì phải cõng thêm số tiền vay không có khả năng trả nợ.

 

Trong số các hộ này, nhiều hộ đã chuyển mục đích sử dụng để trồng chuối. Họ mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đồi núi dốc, chặt bỏ những cây giá trị thấp để khoanh vùng trồng chuối tập trung. Sau gần một năm, vườn chuối đã cho thu hoạch với những buồng chuối to nhiều nải, thương lái đổ về đặt mua. Mỗi buồng chuối bán được 130.000 đồng, bình quân mỗi ha trồng được 600 - 700 khóm, thu được khoảng 120 triệu đồng. Thân chuối sau thu hoạch lại được dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ thành công ban đầu đó, đến nay xã Kim Bình đã hình thành vùng trồng chuối tập trung, với diện tích hơn 100 ha. Cây chuối Kim Bình giờ cũng được thâm canh, sau khi thu hoạch, người dân đánh bỏ gốc để chống thối, ngăn sâu và tạo khoảng cách để cây nhỏ phát triển, vì vậy cây cho quả đều, nải to.


Ông Trần Văn Hưởng, thôn Pắc Chài, xã Kim Bình, cho biết: Gia đình tôi có 15 ha chuối, đến kỳ thu hoạch được thương lái vào tận nhà mua với giá 5.000 đồng/kg. Ông Hưởng tâm sự: Chuối là cây dễ trồng, dễ mọc, không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón, ít bị sâu bệnh, rất phù hợp với địa hình đất đồi dốc. Chuối trồng sau 10 - 12 tháng có thể thu hoạch quả.


Anh Nông Văn Thương, thôn Đồng Ẻng (xã Kim Bình) là một trong những hộ nghèo nay trở lên khá giả từ cây chuối. Anh còn đứng ra thành lập một tổ gồm 25 người thường xuyên thu gom chuối, làm đầu mối bán hàng cho bà con. Cứ hai ngày xuất một chuyến hàng, mỗi chuyến chừng 25 tấn, hàng xuất đều đặn nên thu nhập của anh em trong tổ cũng khá.


Trước đây, chuối Kim Bình chủ yếu được vận chuyển xuôi theo sông Gâm để phục vụ ngày rằm, lễ hội nhưng 2 - 3 năm nay, chuối ở Kim Bình chủ yếu dành cho xuất khẩu. Không chỉ xuất khẩu quả chuối, Kim Bình còn là nơi cung cấp chuối giống cho các xã chung quanh, vừa tăng thu nhập vừa bảo đảm tạo thành vùng nguyên liệu để xuất khẩu ổn định.


Ông Ma Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Trong thời gian tới, xã sẽ vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để mở rộng diện tích, bỏ những cây ăn quả không có hiệu quả kinh tế để tập trung trồng chuối, phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 150 ha.


Nhờ thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã vùng cao Kim Bình đã có sự đổi thay rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Kim Bình phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 9,6 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% theo tiêu chí mới.


Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN