Chiếc “máy cày 135” xóa nghèo của làng Lâm Thung

Năm 2006, làng Lâm Thung, thuộc xã Ia Pech (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) được cấp 15 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135 của Chính phủ. Mục đích của nguồn vốn này là để mua các loại giống mới giúp cho các hộ nghèo trong làng phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, sau khi đưa ra buổi sinh hoạt cộng đồng thì bà con không đồng thuận mua giống, mà đề đạt yêu cầu đầu tư mua chiếc máy cày phục vụ khâu làm đất và vận chuyển hàng hóa nông sản cho dân làng. Bà con cho rằng, mua chiếc máy cày về sử dụng là rất thiết thực và hiệu quả, bởi trước đây mỗi khi đến mùa vụ gieo trồng là phải thuê máy cày từ nơi khác đến và phải trả chi phí ở mức khá cao. Nhất là những hộ nghèo trong làng không đủ tiền thuê máy cày đất mà phải làm bằng thủ công, đất không tơi nhuyễn nên năng suất cây trồng thấp.

Phương án mua và sử dụng chiếc máy cày đã được bà con dân làng đưa ra bàn bạc kỹ trước khi thực hiện, nhằm đảm bảo tính hiệu quả lâu dài bởi đây là tài sản chung của làng. Cả làng Lâm Thung có 7 hộ nghèo và đây là những đối tượng được ưu tiên hưởng lợi trước, bà con có trách nhiệm đóng góp và cùng quản lý chiếc máy cày trong quá trình hoạt động. Giá mua một chiếc máy cày vào thời điểm 2006 là 27 triệu đồng, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng và số tiền còn lại 12 triệu đồng là do các hộ nghèo đóng góp. Ai có ít thì đóng góp ít, ai có điều kiện thì tự nguyện đóng góp nhiều hơn. Theo đó, những hộ nghèo có mức đóng góp mua máy cày thì không phải trả tiền trong khâu làm đất và vận chuyển nông sản mỗi khi đến mùa vụ, còn những hộ khác trong làng thì phải trả tiền công, nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với việc thuê máy cày ở nơi khác về như trước đây.

Ông H'jaik là một trong những người có uy tín nhất trong làng, bởi ông có nhiều kinh nghiệm trong làm ăn và đã giúp đỡ dân làng nhiều việc trong cuộc sống. Ông được bà con tin tưởng giao quản lý và trực tiếp sử dụng chiếc máy cày này, đảm bảo trong khâu làm đất cho bà con mỗi khi đến thời vụ sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Ông có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng chiếc máy cày thường xuyên, không để máy hư hỏng ảnh hưởng đến sản xuất. Công sức của ông bỏ ra trong việc giữ gìn, bảo quản và trực tiếp điều khiển máy trong khâu làm đất cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản bằng một khoản thu nho nhỏ, đó là được quyền làm các dịch vụ cho những hộ dân khác trong làng và trong vùng từ chiếc máy cày này. Ông H'jaik tâm sự: Được bà con tin tưởng và giao trách nhiệm thì mình phải làm hết sức để cùng lo cho dân, không được bỏ bê công việc hoặc lợi dụng trong quá trình sử dụng máy. Còn chuyện làm dịch vụ để thu tiền cũng không đáng kể là bao, chủ yếu là để bù đắp vào các chi phí nâng cấp và bảo dưỡng máy, nhờ vậy đã qua hơn 5 năm rồi mà chiếc máy cày của Chính phủ vẫn hoạt động tốt...

Làng Lâm Thung có 60 hộ với hơn 300 nhân khẩu là người J'rai, đời sống của bà con đang ngày càng được cải thiện và nâng cao bằng sự quan tâm chăm lo của Đảng và Chính phủ. Cả làng có chừng 30 ha ruộng lúa nước 2 vụ và hơn 100 ha đất nương rẫy. Cây lúa nước thì được thâm canh tốt nên cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha/năm, các loại cây trồng truyền thống khác trên đất nương rẫy thì được chuyển đổi bằng các loại giống cây hàng hóa như cà phê, ngô lai, mì cao sản... Riêng 7 hộ nghèo, trong năm 2006 đến nay, đã được thoát nghèo bền vững, cũng nhờ chiếc máy cày 135.

Ông Chuin - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pech khẳng định: Chiếc máy cày hỗ trợ của Chương trình 135 ở làng Lâm Thung hoạt động theo cách làm ăn mới là rất hiệu quả, đây được coi là mô hình hay đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đang được nhân rộng. Mới đây ở làng Ô Der cũng đã mua được chiếc máy cày và hoạt động theo phương án làm ăn của làng Lâm Thung và đạt hiệu quả cao, bà con rất tin tưởng.

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN