Chị em “tuyên chiến” với buôn bán người

Xã Ka Lăng với đặc thù xã biên giới đặc biệt khó khăn, hơn 98% là nguời dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn vất vả, nên không ít người bị dụ dỗ sang Trung Quốc lao động trái phép hay đi lấy chồng ở nước bạn, gặp phải những rủi ro đáng tiếc.

Việc làm thiết thực nhất là tích cực tuyên truyền cảnh báo cho người dân những chiêu thức của bọn tội phạm, cách phòng tránh từ các tình huống và những hệ lụy mà các nạn nhân từng nếm trải, để bớt đi những số phận đắng cay tương tự”, chị Vàng Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khẳng định.

Một buổi truyền thông trực quan sinh động ở xã Ka Lăng.

Tham gia buổi tập huấn của chị em ở xã Ka Lăng, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi không khí sôi động ở đây. Không chỉ có đông chị em mà các anh em cũng tham gia nhiệt tình. Mở đầu là tiết mục văn nghệ sôi động của đội văn nghệ thôn. Một vài phần quà nhỏ từ phía Ban tổ chức đã khích lệ tinh thần của người tham gia. Văn nghệ kết thúc, tấm bảng dán 3 câu chuyện tình huống được đưa ra giữa phòng. Chị Lỳ Lí Na, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ka Lăng bắt đầu đọc từng tình huống một bằng tiếng dân tộc và đưa ra những câu hỏi để người nghe ở dưới giơ tay trả lời. Mỗi câu hỏi đúng lại nhận đuợc một phần quà động viên là cuốn vở cho con hay gói bánh. Cứ thế buổi tập huấn kết thúc trong không khí náo nhiệt và vui vẻ của bà con. 

Theo chị Lỳ Lí Na, với đặc thù xã biên giới đặc biệt khó khăn, hơn 98% là nguời dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn vất vả, nên không ít người bị dụ dỗ sang Trung Quốc lao động trái phép hay đi lấy chồng ở nước bạn, gặp phải những rủi ro đáng tiếc. Nhiều người không mặn mà, hăng hái khi được mời họp bản, tham dự hoạt động tuyên truyền vì bận làm ăn hoặc quan niệm chuyện “cơm áo gạo tiền” bức xúc, cấp thiết hơn. “Từ khi tổ chức những buổi tuyên truyền bằng trực quan sinh động hiệu quả hơn rất nhiều. Bà con biết tiếng phổ thông, nhưng vẫn chuộng nói tiếng dân tộc. Chỉ cần một tuyên truyền viên hát một bài hát tiếng dân tộc hay có món quà nhỏ dành cho ai trả lời đúng trong phần tìm hiểu tình huống, là người ta tham gia rất sôi nổi. Qua đó, còn nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho chính quyền địa phương, các ngành, trưởng thôn, bản, chủ tịch phụ nữ xã”, chị Na cho biết. 

Các buổi tuyên truyền đều có không khí sôi nổi.

Hơn 1 năm nay, đều đặn hàng tháng, tổ tuyên truyền phòng chống buôn bán người ở 12 xã, thị trấn của huyện Mường Tè đều tổ chức các buổi tập huấn như vậy. Theo chị Vàng Thị Thu, qua mỗi đợt tuyên truyền, các xã, thị trấn đều thành lập các tổ phòng chống buôn bán người từ 5 - 7 người gồm cán bộ đoàn thể, trưởng bản, người có uy tín, trong đó nòng cốt hội phụ nữ. Mỗi tháng, tổ công tác tổ chức các buổi tuyên truyền với hình thức sinh hoạt cộng đồng theo phương pháp trực quan sinh động từ diễn kịch cho tới lập câu hỏi tình huống. “Muốn tạo bước chuyển trong nhận thức người dân, phải tranh thủ phối hợp các ngành, các cấp, làm thực chất, không chạy theo kiểu “phong trào”. Từ khi thành lập đến nay tổ tuyên truyền phòng chống buôn bán người hoạt động rất hiệu quả. Hàng tháng, các buổi tuyên truyền đều do tổ công tác thực hiện, hội phụ nữ chỉ có nhiệm vụ lên kế hoạch và giám sát” chị Thu cho hay. 

Nếu truyền thông cộng đồng chưa đủ thuyết phục, tổ công tác còn “vào từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền tới từng hộ dân. Trong 6 tháng đầu năm 2016, huyện Mường Tè chỉ có 10 trường hợp đi khỏi địa bàn, 5 trường hợp lấy chồng Trung Quốc. 
Bài và ảnh: Nguyễn Lê
Sa lưới sau 23 năm lẩn trốn vì tội buôn bán người
Sa lưới sau 23 năm lẩn trốn vì tội buôn bán người

Ngày 30/9, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt 5 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Bích Lộc về tội “Mua bán phụ nữ” theo quy định tại Điều 115, khoản 2, điểm b và điểm c – Bộ luật hình sự năm 1985.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN