Chamaleá Đoa - người con ưu tú của bản làng

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó thôn Rã Giữa, xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên, anh Chamaleá Đoa (34 tuổi), dân tộc Raglai, đã khiến không ít người phải nể phục.


 

Anh Chamaleá Đoa tự sửa máy chuẩn bị vào vụ.

 

Cách đây hơn chục năm, Chamaleá Đoa kết hôn với một cô gái cùng thôn. Không vốn liếng, không tư liệu sản xuất, vợ chồng Chamaleá Đoa thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Được tạo điều kiện vay vốn làm ăn, Chamaleá Đoa đã vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua 3 con bò cái về nuôi. Trải qua năm tháng, nhờ chịu khó chăm sóc, bò của anh Đoa đã phát triển thành đàn 20 con. Bình quân hàng năm anh xuất bán từ 3 - 4 con bò, thu được từ 35 - 40 triệu đồng. Từ đó, Đoa đã tích góp vốn mua 2 ha đất và thuê máy móc san ủi 8 sào đất làm lúa.


Với 8 sào lúa nước, nhờ biết áp dụng kỹ thuật vào canh tác, năng suất lúa gia đình anh thu hoạch đạt từ 6,5 đến 7 tạ/sào. Không canh tác theo kiểu thủ công, anh Đoa đã mua 2 chiếc máy cày để phục vụ sản xuất của gia đình và làm thêm dịch vụ nông nghiệp cho bà con trong vùng. Hiện tại, bình quân một năm, gia đình anh Đoa thu nhập khoảng hơn 70 triệu đồng.


Đánh giá về triệu phú trẻ Chamaleá Đoa, ông Ngô Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: Nếu tất cả lớp thanh niên ở Phước Trung đều như Chamaleá Đoa thì không lâu nữa Phước Trung sẽ không còn hộ nghèo, chứ đừng nói đến cái đói. Với đồng bào ở đây, phong tục tập quán, nhận thức còn hạn chế nên việc đưa tiến bộ kỹ thuật về triển khai thực hiện cũng phải cầm tay chỉ việc... Kể từ khi có một số thanh niên biết vượt khó, chịu học hỏi, chí thú làm ăn vươn lên làm giàu như Chamaleá Đoa hay Chamaleá Hơ... bộ mặt nông thôn đã dần thay đổi.


Ông Lâm cho biết thêm, Chamaleá Đoa là đầu tàu để đưa đồng bào vượt khó, cùng tiến. Trước đây, đồng bào đâu biết canh tác lúa thế nào, có làm thì cũng kiểu phó mặc cho thời tiết nên năng suất rất thấp. Nhờ anh Đoa nhiệt tình chỉ dẫn, đồng bào đã biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa, năng suất đạt cao không thua kém ở vùng xuôi. Bà con giờ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, biết áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên hiệu quả mang lại khá cao, đời sống vật chất từng bước được nâng lên, nhờ đó mà số hộ nghèo ở Phước Trung giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng 40% theo chuẩn mới.


Không chỉ hướng dẫn những hộ nghèo làm ăn, anh Đoa còn cho bà con vay vốn để phát triển sản xuất. Ai cần cày ải là anh Đoa đến cày, ai muốn bón phân gì, phun thuốc nào cho lúa, cứ hỏi anh Đoa là anh đến chỉ dẫn ngay. Anh Đoa còn chỉ dẫn thanh niên bỏ đi những hủ tục lạc hậu, sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy cho tốt... Anh Đoa chia sẻ: “Nhờ tích góp, gia đình đã xây được căn nhà trên 300 triệu đồng. Nếu hết vụ đông - xuân này, mùa màng bội thu thì gia đình sẽ mua thêm máy móc, đưa cơ giới hóa lên giúp bà con ở khắp xã canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vươn lên xóa nghèo”.


Bài và ảnh: Công Thử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN