Cây sắn thừa đầu ra, thiếu đầu vào

Thời gian qua, sắn được tỉnh Cao Bằng xác định là cây sản xuất hàng hóa và chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo quy hoạch, vùng nguyên liệu sắn của tỉnh tập trung ở các huyện: Thạch An, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Uyên, Phục Hòa và Thành phố Cao Bằng; là những địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng sắn. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư chưa được triển khai kịp thời vụ, vì vậy việc mở rộng diện tích trồng sắn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương nằm trong vùng nguyên liệu chưa chỉ đạo quyết liệt và không phân bổ các nguồn vốn ưu tiên cho trồng sắn.

Nông dân xã Lê Lai (Thạch An) chăm sóc sắn cao sản. Ảnh: D.Y

Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, của huyện Thạch An chỉ xác định trồng cây hồi, thạch đen, mía, thuốc lá, trong khi thực tế một số xã, như: Vân Trình, Lê Lai, từ vụ sản xuất năm 2015 nông dân đã không trồng mía mà tự chuyển sang trồng sắn cao sản.

Nông dân Cao Bằng trồng sắn. Ảnh: hoinongdan.caobang.gov.vn

Theo bà con ở xóm Lũng Dìn, trồng sắn tương đối dễ, nhưng muốn sắn cho củ to và đạt năng suất cao cần phải trồng theo đúng kỹ thuật, đúng thời vụ và đầu tư phân bón đầy đủ. Hơn nữa trồng sắn thuận lợi hơn, khi thu hoạch được Nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngay tại chân rẫy, thu nhập cao hơn hẳn các cây trồng khác; nhiều hộ dân xóm Lũng Dìn, Lũng Hẩy, Cốc Ngườm..., thu về gần 40 triệu đồng/vụ sắn.

Ông Triệu Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Trình cho biết: Vụ sản xuất 2016, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo bà con trồng gần 20 ha sắn cao sản, chưa đạt kế hoạch đề ra. Từ khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động và thu mua sản phẩm sắn củ tươi ngay tại chân rẫy, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay xã mới chỉ tập trung trồng sắn ở vài xóm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các hộ dân có diện tích đất rẫy, ruộng cạn chuyển sang trồng sắn để tăng thêm nguồn thu nhập.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra sự phát triển của cây sắn. Ảnh: khcncaobang.gov.vn

Theo báo cáo của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Cao Bằng, năm 2015, diện tích vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt hơn 1.000 ha, năng suất bình quân từ 25 - 30 tấn/ha. Trong vụ sản xuất chế biến tinh bột sắn năm 2015 - 2016, sản lượng sắn toàn tỉnh chỉ đáp ứng được hơn 30% công suất, phải nhập nguyên liệu sắn từ các tỉnh khác, trong khi đó, diện tích hoang hóa ở một số địa phương vẫn còn khá nhiều.

Hiện Nhà máy đã ứng trước giống, phân bón cho nông dân vùng nguyên liệu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ký kết hợp đồng với các xóm trong việc thu mua sản phẩm. Vụ sản xuất 2016, nông dân ở vùng nguyên liệu đã trồng được gần 2.000 ha, tăng so với vụ trước, song chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Mặt khác, dù lợi ích từ trồng sắn đã rõ, nhưng khó khăn về vận chuyển, bởi hầu hết diện tích trồng sắn ở những địa hình dốc. Bà con muốn mở rộng diện tích, cần có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về đường vào vùng nguyên liệu.
Diệp Yến
Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thoát nghèo từ cây sắn
Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô thoát nghèo từ cây sắn

Những năm gần đây, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện miền núi Hướng Hóa và ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị đã biết khai thác tiềm năng đất đai, trồng các loại cây, đặc biệt là cây sắn, nên hầu như gia đình nào cũng có thu nhập ổn định, nhiều hộ trở nên giàu có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN