Cầu thanh niên kết nối thôn, buôn nghèo

Từ nguồn vốn gần 3,9 tỷ đồng đầu tư của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn tại các thôn, buôn nghèo. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng sâu đến trường, đồng thời giúp người dân thuận tiện hơn trong giao thông, nhất là vận chuyển nông sản.

 

Người dân được đi lại dễ dàng hơn khi những cây cầu kiên cố này hoàn thành.


Các công trình trên được xây dựng tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều sông suối nhỏ của các huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Ana, Cư M’gar và huyện Lắk.


Tham dự lễ bàn giao và đưa vào sử dụng cầu Suối Đục, buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana, mới thấy hết niềm vui của những người dân nơi đây. Chị H’Doanh Êban, buôn Tơ Lơ, xúc động nói: "Nhà tôi có hai cháu đi học, chúng còn bé, mỗi lần đến trường phải đi trên chiếc cầu ọp ẹp bắc ngang qua suối Đục, mùa mưa nước rất lớn, nên cả nhà lo lắm. Bây giờ có cây cầu mới, cả buôn ai cũng mừng. Các cháu đến trường yên tâm hơn". Cùng chung niềm vui này, anh Y Phía Bkrong kể: Buôn Tơ Lơ có khoảng 200 hộ đồng bào Êđê chung sống, hầu hết lúa và hoa màu của bà con đều nằm trên cánh đồng Kate. Khi chưa có cầu Suối Đục bắc qua, mùa gặt lúa, bà con đem lúa, gạo về nhà khổ lắm vì phải treo mình lắc lẻo trên chiếc cầu tre cũ, sợ rớt lúa xuống suối. Mùa mưa, nước suối chảy xiết phải qua suối bằng thuyền, có khi không kịp vận chuyển hết nông sản về nhà, đành phải để lại ngoài đồng, xót của lắm nhưng không biết làm sao. Có cầu Tơ Lơ, việc vận chuyển nông sản của bà con từ cánh đồng Kate về nhà được thuận tiện và dễ dàng hơn.

 

Trước đây người dân Đắk Lắk phải vượt sông, suối qua những cây cầu khỉ này.


Anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng ban Thanh niên nông thôn - Công nhân và Đô thị, Đoàn thanh niên tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Các cây cầu có thiết kế tải trọng 2,8 tấn. Trong đó cầu Suối Đục, buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana có chiều dài hơn 18 m, được coi là cây cầu khó thi công nhất trong toàn dự án. Trước đây cũng có nhiều nhà thầu đến để liên hệ xin thi công công trình. Thế nhưng khi khảo sát ai cũng lắc đầu vì để xây dựng cây cầu này phải tính lên giá gấp đôi vì không có đường vận chuyển vật liệu và phương tiện vào địa điểm để thi công.


Khó khăn là vậy, nhưng bằng sự quyết tâm của tuổi trẻ, hàng chục chiến sỹ áo xanh tình nguyện ở các vùng quê nghèo đã không quản khó khăn tham gia ngày công, phát quang bụi rậm, san lấp mặt bằng, huy động người dân cùng chung tay giúp sức vận chuyển nguyên vật liệu để xây cầu. Với sự nỗ lực, quyết tâm của thanh niên tình nguyện, sự chung sức của các hộ dân, nên các cây cầu đã hoàn thành đúng tiến độ trước khi mùa mưa đến.


Những cây cầu hoàn thành đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên tỉnh Đắk Lắk với các vấn đề về an sinh xã hội, cũng như chung sức xây dựng nông thôn mới.


Bài và ảnh: Phạm Văn Cường

Giúp phụ nữ Khmer thoát nghèo
Giúp phụ nữ Khmer thoát nghèo

Nhằm tạo điều kiện giúp phụ nữ Khmer xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, đã chú trọng tập hợp phụ nữ dân tộc Khmer vào tổ chức hội cũng như triển khai hiệu quả các hoạt động của hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN