Cao Bằng: Trâu, bò chết rét, kẻ khóc người cười

Cái rét chết trâu, chết bò đang hoành hành ở khu vực miền núi phía Bắc, khiến gần 3.000 "đầu cơ nghiệp" của nông dân ra đi. Riêng tỉnh Cao Bằng, đến nay đã có 1.500 con trâu, bò chết vì rét, nhiều gia đình nông dân bỗng dưng trở thành trắng tay…

Nước mắt khóc trâu, bò

Gia đình bà Hà Thị Xanh, ở xóm Nà Sao, xã Độc lập, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) từ đầu năm 2010 đã dốc hết số tiền bán thóc, ngô và vay ngân hàng được 20 triệu để mua 5 con trâu.


Những tưởng Tết này, trâu béo tròn, bán đi sẽ kiếm được ít tiền ăn Tết. Nào ngờ chỉ trong 2 ngày, 3 con trâu lần lượt lăn ra chết vì rét. Thật xót xa là cả 3 con trâu đã biết cày bừa nhưng vì chết rét nên bị thương lái ép giá nên chỉ bán được 600.000 đồng.

Thở dài một tiếng, bà Xanh tâm sự: Cái lý của thương lái đưa ra là trâu chết, ai biết được là do chết rét hay chết dịch. Muốn khẳng định là trâu mình chết rét thì cũng chẳng ai tin, lấy gì để chứng minh vì thực tế, trâu ở xã bên đã chết vì lở mồm long móng.


Hơn nữa thương lái còn lấy lý do, trâu, bò chết nhan nhản ra, mua về cũng không bán được, xót của lắm nhưng bán được đồng nào đỡ được đồng ấy.

Tôi ái ngại hỏi: “Rẻ thế sao cô không mổ ăn dần?”. Bà Xanh nói trong chua xót: “Tục lệ ở đây là không ăn thịt trâu, bò thì mổ làm gì. Nếu ở gần thị trấn mổ rồi đem bán cũng còn vớt vát được một tí”.

Còn hai con trâu, bà Xanh đã phải bán chạy một con, con còn lại nhốt vào chuồng, đi xa cắt cỏ, nấu cháo cho ăn, nhưng cũng chẳng biết nó có sống được đến ngày mai không.


Gia đình anh Nông Văn Tiến cùng xóm có hai con thì đã chết cả hai. Anh Tiến tâm sự, lạnh quá, đã không gieo cấy được rồi, bây giờ trâu chết hết không biết lấy cái gì để cày bừa.


Nhà anh Đỗ Văn Thăng, ở xóm Cốc Phát, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh cũng buồn như đưa đám. Con trâu thứ năm, là con trâu cuối cùng của nhà anh, cũng đã chết trên rừng và được dân bản vừa khiêng về giúp.


Đã ba ngày rồi, anh Thăng tự tay mổ 4 con trâu để đem lên đèo Mã Phục bán nhưng không bán được đành đem về treo và sấy khô ăn dần. Buồn nhất là cái chuồng trâu nhà anh vốn để nhốt trâu bây giờ biến thành nơi treo và sấy thịt trâu.

Phất lên nhờ nghề "batoa"

Trong vai một người đi tìm mua trâu chết về làm cỗ, tôi đến chợ thịt trâu bò tại đỉnh đèo Mã Phục, huyện Trà Lĩnh. Vừa thấy tôi , Hoàng Trường, một chủ quầy bán thịt đã lao ra kéo vào một quầy ngồn ngộn thịt trâu, bò đỏ rói.


Vừa kéo tay tôi, hắn vừa luôn miệng: “Trâu hay bò anh ơi? Nhà em có đủ hết, bê, bò, nghé, ngựa… giá rẻ bất ngờ anh ạ. Chỉ 80.000/kg thôi”.

Ở cái chợ thịt trâu, bò này có khoảng hơn chục lái trâu như Trường, họ đi lùng sục ở các thôn, bản tìm trâu, bò chết rét đem về trà trộn vào thịt trâu, bò xịn rồi giao cho các chợ ở thị xã, giá mềm hơn nên họ mua hết. Bình quân mỗi con nghé thương lái lãi được 1 triệu đồng.


Còn nếu gặp trâu, bò to thì số lãi còn lớn hơn nhiều. Chỉ một giờ có mặt tại chợ trâu, bò mà các thương lái chở về đến hàng chục con nghé chết rét, có những người ăn non chỉ giao lại cho người khác là kiếm 400.000 - 500.000 đồng như chơi.

Đến nay, Cao Bằng có đến 1.500 con trâu, bò chết, theo dự báo con số này sẽ còn tăng hơn nữa khi thời tiết vẫn còn rét đậm. Điều đáng ngại là sau khi đợt rét đậm, rét hại này đi qua, những con trâu được người dân chống rét tốt rồi cũng sẽ lăn đùng ra chết vì bị "cước".


Có nghĩa là thời tiết ấm lên, trâu sẽ bị sưng chân, sưng móng và khớp. Lúc đó, cũng chỉ có làm… thịt. Người nông dân Cao Bằng cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc đang lao đao vì giá rét và đối diện với nguy cơ... sạt nghiệp, khi "đầu cơ nghiệp" cứ từng ngày, từng giờ theo giá lạnh ra đi.


Hơn nữa, trong số trâu, bò chết rét có cả những con chết do dịch bệnh mùa đông, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thịt trâu, bò chết rét, đâu là chết dịch.


Chịu thiệt thòi nhất vẫn là những nông dân khốn khổ và người tiêu dùng, còn cánh thương lái vẫn nở những nụ cười thu hoạch trên những nỗi đau khổ của người khác.

Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN