Cao Bằng: Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn

Mỗi năm, Cao Bằng có hàng chục nghìn tấn lương thực sau thu hoạch bị hỏng do nảy mầm, mốc, mọt… Thực trạng này được người dân gọi là "mất mùa tại nhà". Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Cao Bằng đã mất nhiều tỷ đồng để triển khai chương trình hỗ trợ nông dân bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nhưng tất cả đều thất bại. Tuy nhiên, chính những người nông dân ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, bằng kinh nghiệm thực tiễn và cần mẫm tìm tòi đã cải tạo thành công lò sấy thuốc lá thành lò sấy nông sản rất hiệu quả. Sáng kiến này có thể ứng dụng rộng rãi cho nhiều vùng khác.

Chị Hoàng Thị Hoa, nông dân xóm Pác Dài, xã Tam Kim rất phấn khởi vì chiếc lò sấy đa năng, hiệu quả cao này.


Cứ vào vụ thu hoạch, cả nhà ông Nông Quang Đồng, xóm Nà Mạ lại mất ăn mất ngủ vì lo phơi, sấy nông sản. Chỉ một cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống là cả tấn thóc, ngô có nguy cơ mất trắng. Ngay cả khi thóc đã vào bồ, nỗi lo vẫn chưa hết vì khi phơi, nông sản không khô triệt để, nên không thể để được 1 năm vì mốc, mọt, nảy mầm. Sau nhiều lần mày mò tìm giải pháp, ông Đồng đã cải tiến thành công hệ thống dẫn nhiệt của lò sấy nguyên liệu thuốc lá, biến thành lò sấy đa năng, có thể sấy được ngô, lúa và nhiều loại nông sản khác.

Không chỉ làm cho gia đình mình, ông còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân khác. Đến nay, hầu hết các hộ dân của xã Tam Kim đều xây dựng lò sấy, vừa để sấy thuốc lá vừa để sấy nông sản. Chi phí đầu tư cho một lò sấy là 5 - 7 triệu đồng. Nhiên liệu cho lò hoạt động là tất cả các loại sẵn có của nông thôn như rơm, rạ, củi tạp, thậm chí là cả những phụ phẩm của nông sản như vỏ bắp ngô, cây, lá ngô, đỗ... Công suất của lò đạt 1 tấn ngô/ngày. Bằng phương pháp này, ngô có thể để được 1 - 2 năm mà không lo bị ẩm mốc. Sự thành công của mô hình này đã lôi cuốn nhiều nông dân từ các địa phương khác trong tỉnh đến học tập, nghiên cứu.

Nông dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng cải tiến lò sấy thuốc lá thành lò sấy nông sản có thể sấy được nhiều loại sản phẩm khác nhau.


Theo ước tính của ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng, mỗi năm, Cao Bằng có khoảng 15% sản phẩm nông nghiệp bị mốc, mọt hư hỏng do khâu bảo quản kém. Năm 2010, tổng sản lượng lương thực của tỉnh là 235.000 tấn, như vậy, năm 2010, ước tính toàn tỉnh có hơn 30.000 tấn nông sản bị hỏng, trị giá lên tới hơn 150 tỷ đồng.

Đối với một tỉnh nghèo như Cao Bằng, đây là một con số không hề nhỏ, bởi vậy vấn đề bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch đã và đang làm đau đầu những nhà quản lý ngành nông nghiệp Cao Bằng. Tỉnh cũng đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn triển khai nhiều chương trình giúp dân bảo quản nông sản nhưng đều không hiệu quả vì đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hoá của nhân dân. Bởi vậy theo ông Nguyễn Sinh Cung, sáng kiến của nông dân Tam Kim là một cải tiến kỹ thuật rất có ý nghĩa đối với nông dân. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích nông dân ở những vùng có lò sấy thuốc lá trong tỉnh áp dụng mô hình này để người nông dân của Cao Bằng thoát khỏi cảnh "mất mùa tại nhà".

Quốc Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN