Cần sớm có biện pháp bảo vệ nguồn cá đặc sản trên sông Sê Rê Pốc

Sông Sê Rê Pốc bắt nguồn từ dãy núi Cư Yang Sin, chảy về phía Tây Bắc, rồi đổ về sông Mê Công. Đây là con sông lớn nhất ở Nam Tây Nguyên. Nguồn cá trên con sông này khá phong phú với mật độ lớn, trong đó có một số loại cá đặc sản như: Cá lăng, bống tượng, mõm trâu, sọc dưa…

Những loại cá này thơm ngon, đắt khách tại các quán ăn đặc sản, giá trị thương phẩm cao gấp từ 3 - 7 lần so với các loại cá thông thường. Suốt thời gian dài, do đánh bắt quá mức và môi trường nước biến đổi, lượng cá đặc sản giảm đáng kể.

Nguồn cá trên sông Sê Rê Pốc khá phong phú với mật độ lớn, trong đó có một số loại cá đặc sản như: Cá lăng, bống tượng, mõm trâu, sọc dưa…


Người dân sinh sống hai bên bờ sông Sê Rê Pốc từ lâu đã quen làm nghề chài lưới, đánh bắt cá. Hàng ngày, trên dòng sông có nhiều người dân thả lưới, câu cá; một số người còn dùng cả bình ắc quy, kích điện. Ở những nơi vùng xa, vắng người qua lại, còn có tình trạng dùng chất nổ ném xuống sông bắt tất cả cá lớn, cá nhỏ và hủy hoại các loài thủy sinh.

Bên cạnh đó, gần 10 năm trở lại đây, trên dòng sông có nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng tại các bậc thang ngăn dòng nước, ảnh hưởng lớn đến sự di chuyển và sinh sản của các loại cá trong mùa mưa, thác lũ. Hai bên bờ sông thuộc địa bàn xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột-Đắk Lắk) và xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút-Đắk Nông) đã xây dựng các khu công nghiệp và tập trung các cụm dân cư.

Các khu công nghiệp này vẫn chưa xây dựng cơ sở xử lý chất thải. Hàng ngày, các nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý xuống thẳng dòng sông Sê Rê Pốc làm ô nhiễm môi trường, gây chết cá và các loài thủy sinh. Từ đầu năm 2010 đến nay, dòng sông đã 3 lần bị các cơ sở sản xuất công nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm nặng, làm cá chết hàng loạt.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc đánh bắt thủy sản để bảo tồn các giống cá quý ở sông Sê Rê Pốc.

Nguyễn Tiên Tri

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN