Cần ngăn chặn nạn tảo hôn ở vùng khó khăn

Vài năm trở lại đây, nạn tảo hôn xuất hiện trở lại ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói, gây khó khăn cho công tác duy trì ổn định dân số trên địa bàn.

Nằm cách trung tâm huyện 47 km, Yên Lỗ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia. Cả xã có trên 600 hộ với 3.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 61%; người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, Dao. Yên Lỗ là một trong 9 xã của huyện Bình Gia có tình trạng tảo hôn cao trong 2 năm trở lại đây. 

Vợ chồng anh Vi Văn Luân (sinh năm 1987) và chị Triệu Thị Na (sinh năm 1998) ở thôn Nà Quãng, xã Yên Lỗ, là một trường hợp tảo hôn nữ. Anh chị cưới nhau năm 2015, khi chị Na mới 17 tuổi. Anh Luân cho biết: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi chỉ học hết lớp 3; bố mẹ đau ốm, không còn sức lao động; tôi muốn lấy vợ để có thêm người chăm lo cho gia đình. Do không nắm được luật pháp, nên tôi đã cưới vợ khi vợ còn ở tuổi vị thành niên".

Cán bộ phụ nữ tuyên truyền KHHGĐ.

Thực tế hiện nay tại huyện Bình Gia, các cặp vợ chồng tảo hôn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ở lứa tuổi vị thành niên, hầu hết họ thiếu kinh nghiệm sống, kỹ năng nuôi dạy con cái, xây dựng kinh tế gia đình. Nhiều trường hợp tảo hôn khi sinh con thường bị nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng...

Từ đầu năm đến nay, xã Yên Lỗ có 5 trường hợp tảo hôn ở độ tuổi tảo từ 16 - 17 tuổi. Theo ông Lâm Văn Lơ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia: Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các cặp vợ chồng tảo hôn đều chưa học hết tiểu học, do vậy công tác tuyên truyền vận động còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Thách, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bình Gia, cho biết: Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tảo hôn ở huyện Bình Gia là do phong tục tập quán và tâm lý lập gia đình sớm có con đàn cháu đống, có thêm lao động, mặt khác do trình độ học vấn của người dân còn thấp, hiểu biết luật pháp hạn chế. Tại Bình Gia, các trường hợp tảo hôn thường xảy ra tại các xã đặc biệt khó khăn như: Yên Lỗ, Quang Trung, Hưng Đạo, Minh Khai...

Triệu Thị Na lấy chồng khi mới hơn 16 tuổi.

Hiện nay, công tác truyền thông, tư vấn cho đối tượng vị thành niên và thanh niên về việc không lập gia đình ở tuổi vị thành niên tại các xã ở huyện Bình Gia cũng gặp khó khăn, do cán bộ dân số chưa tiếp xúc được với những đối tượng vị thành niên. Bà Chu Thị Lẩy, cộng tác viên dân số tại thôn Nà Tồng, xã Yên Lỗ, cho biết: Do địa bàn vùng núi đi lại khó khăn, dân cư sống thưa thớt, nên các cộng tác viên dân số khó tiếp cận được người dân để tuyên truyền. Công tác dân số thường được tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi họp thôn, nhưng cũng rất khó tiếp cận người trẻ vì họ ít đi họp. Các bậc cha mẹ đi họp về cũng coi nhẹ vấn đề dân số, không tuyên truyền cho con cháu.

Những hệ lụy của tảo hôn không những là gánh nặng cho bản thân các cặp vợ chồng, mà cho cả gia đình, xã hội. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai, do đó ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số cao.
Bài và ảnh: Hoàng Nam
Xóa bỏ tình trạng tảo hôn trong đồng bào Ba Na
Xóa bỏ tình trạng tảo hôn trong đồng bào Ba Na

Tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra trong cộng đồng người dân tộc Ba Na tại Bình Định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số cũng như đời sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN