Các tổ tiết kiệm và vay vốn ở Mường Khương hoạt động hiệu quả

Là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, Mường Khương (Lào Cai) có hàng vạn hộ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để phát triển sản xuất, đầu tư cho con em học tập, sửa chữa, làm nhà ở… Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH huyện Mường Khương còn vận động các tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) gửi tiết kiệm, góp phần tạo thêm nguồn vốn vay, từng bước hình thành thói quen tiết kiệm cho người nghèo, giảm bớt khó khăn khi trả nợ.

Theo anh Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Mường Khương, dư nợ cho vay năm 2011 của ngân hàng đạt gần 160 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo chiếm trên 60%, cho vay sản xuất kinh doanh chiếm 30%, số còn lại là cho vay theo các nội dung khác. Để đồng vốn đến sớm với người dân và đúng đối tượng cần vay, Ngân hàng CSXH huyện đã thành lập 280 tổ TKVV theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết tương trợ và cùng có lợi.

Anh Thào Dìn, tổ trưởng một tổ TKVV xã Bản Lầu cho biết, có nhiều hộ được vay vốn để đầu tư và phát triển trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cách đây 3 năm, hộ anh Thào Dùng ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu còn thuộc diện hộ nghèo. Được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng đầu tư trồng dứa và chuối, hiện gia đình anh không chỉ trả hết vốn vay mà còn tích lũy được nguồn vốn đáng kể để phục vụ sản xuất. Cùng trong tổ còn có anh Thào Chúng vay 15 triệu đồng trồng chuối, đến nay đã trả xong vốn, hiện số cây trong vườn có giá trên 100 triệu đồng… Ông Thào Dìn, tổ trưởng tổ TKVV số 2 thôn Cốc Phương B cho biết: Trong tổ có 30 thành viên, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, nên sau một vài năm đều trả hết nợ, ổn định cuộc sống. Gia đình anh Thào Sử được vay 30 triệu đồng trồng dứa và chuối, sau 2 năm đã sửa được nhà ở, mua được một số đồ dùng gia đình đắt tiền như tủ lạnh, xe ô tô con 4 chỗ. Hộ chị Thào Thị Min được vay 25 triệu đồng trồng 1 ha chuối, 1,5 ha dứa, đến nay đã làm được nhà rộng gần 100 m2. Tổ TKVV của anh Lý A Pao, thôn Na Lốc có 49 thành viên đều được tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp. Hộ các ông Mã Văn Đăng, Sùng A Hoàng, Sùng Min đều được vay trên 20 triệu đồng trở lên để đầu tư chuyển đổi cây trồng, đến nay đã trả được nợ và vẫn còn vốn cho sản xuất. Tại thị trấn Mường Khương có 40 tổ TKVV với trên 1.200 hộ, các hộ chủ yếu vay để làm dịch vụ chăn nuôi, chế biến đậu phụ, tương ớt và kinh doanh gạo... Theo chị Trần Thị Liên, tổ trưởng tổ TKVV thôn Mới, cả tổ có 37 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH, sau 2 năm đã trả xong lãi và có tiền dư để gửi tiết kiệm.


Lục Văn Toán
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN