Các địa phương chăm lo bảo tồn và phát triển các loại cây, con “đặc sản”

Hà Giang: Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Lũng Phìn


Thực hiện mục tiêu “Phát triển cây chè trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo", đặc biệt là bảo tồn và phát triển chè Shan tuyết Lũng Phìn nổi tiếng của Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng dự án hỗ trợ thâm canh, cải tạo chè già cỗi Shan tuyết Lũng Phìn.

 

Chè Shan tuyết Lũng Phìn đang được đẩy mạnh sản xuất để phát triển kinh tế huyện Đồng Văn. Ảnh: Minh Tâm

 

Ngay trong năm 2012, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với UBND huyện Đồng Văn và một số cơ quan, đơn vị chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động áp dụng vào sản xuất, khai thác có hiệu quả diện tích chè Shan tuyết cổ thụ hiện có; quy hoạch vùng chè đặc sản Lũng Phìn; phát triển diện tích, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.


Hà Giang hiện có trên 20.000 ha chè, sản lượng trên 45.000 tấn/năm. Riêng xã Lũng Phìn nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn ở độ cao trung bình so với mực nước biển trên 1.600m có 77 ha chè Shan tuyết đặc sản, trong đó có trên 50 ha chè cho thu hoạch. Hiện xã này còn lưu giữ được 5.800 gốc chè bản địa có tuổi từ 30 đến hàng trăm năm, tương đương khoảng 14 ha. Đây là giống chè thơm ngon nổi tiếng cả nước nên giá bán rất cao (gần 1 triệu đồng/kg chè khô). Tuy nhiên, do bà con chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái, chế biến nên sản lượng chè hàng năm còn thấp và hầu như không có mặt trên thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng phải vào tận hộ gia đình trồng chè, đặt mua mới có thể có được sản phẩm chè Lũng Phìn bản địa chính hiệu, nhưng số lượng không nhiều.


Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Để bảo tồn, phát triển chè Lũng Phìn và xây dựng thương hiệu chè trên Cao nguyên đá Đồng Văn, thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung đẩy mạnh công tác cải cách chính sách đầu tư; chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp trồng chè; xúc tiến công tác thương mại, cấp nhãn hiệu hàng hóa; tập trung phát triển giống chè Shan tuyết địa phương; quy hoạch tổng thể theo vùng về nông hóa, thổ nhưỡng, khí hậu để đưa ra chiến lược phát triển vùng chè đặc sản của Hà Giang sớm hình thành Hiệp hội chè Hà Giang và xây dựng thương hiệu chè Lũng Phìn trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Các ngân hàng hoạt động trên địa bàn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh, vay vốn đầu tư vào phát triển chè...

 

Gia Lai: Phát triển đặc sản khoai lang Lệ Cần


Tỉnh Gia Lai có chủ trương duy trì, phát triển đặc sản khoai lang Lệ Cần, loại sản phẩm thuộc diện "độc nhất vô nhị" được trồng trên vùng đất bazan thuộc xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa. Giống khoai này nếu trồng "đúng đất" Tân Bình sẽ cho củ to, có vỏ màu đỏ tươi, ruột có màu vàng óng như nghệ và dẻo, ăn vào vừa thơm lại vừa ngọt lịm như mật.


Thực hiện chủ trương nói trên, từ năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh được giao nhiệm vụ phục tráng lại giống khoai lang Lệ Cần. Đề án này do kỹ sư Vũ Văn Típ làm chủ nhiệm đề tài. Sau gần 4 năm nghiên cứu, đề án đã thực hiện thành công, được Hội đồng nghiệm thu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai công nhận xếp loại khá và đưa vào ứng dụng.


Theo những người dân sinh sống lâu năm ở địa phương như hộ ông Nguyễn Hường, ông Nguyễn Trình..., khoai lang Lệ Cần có mặt tại xã Tân Bình vào thời kỳ năm 1954 cùng hành trình di dân của bà con ở xã Trà Đỏa, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Lúc bấy giờ, khoai lang Lệ Cần được coi là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình, nên nhà nào cũng trồng và phát triển loại giống khoai lang này. Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, người dân tại chỗ không tiêu thụ hết được, mà phải chở đi các nơi để bán, về sau thương lái ở các nơi lại chủ động tìm đến mua. Ở các cơ sở tiêu thụ khoai lang Lệ Cần thường được sơ chế thành sản phẩm hàng hóa để "xuất khẩu" ra ngoài tỉnh (khâu sơ chế chủ yếu là rửa sạch, luộc chín rồi xắt lát phơi khô và đóng bao bì). Dần sau này trở thành đặc sản hương vị độc đáo của Gia Lai và nhiều người dùng làm quà biếu ở khắp nơi trong cả nước. Từ năm 1990 trở về sau này, sản phẩm khoai lang Lệ Cần ngày càng ít dần đi và ngày càng đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" trên đất Tân Bình.


Ông Nguyễn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ đất canh tác ở địa phương, đồng thời đánh giá lại chất lượng, hiệu quả của từng loại cây trồng trên địa bàn. Trên cơ sở đó vận động bà con chuyển đổi những diện tích cây trồng kém chất lượng, như diện tích lúa nước ở những vùng thường hay bị khô hạn cuối vụ, những vùng đất không trồng được cây cà phê, hồ tiêu... kể cả tận dụng quỹ đất trong vườn hộ chuyển sang trồng khoai lang Lệ Cần.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN