Bản tái định cư thiếu đất sản xuất

Năm 2010, để phục vụ công trình thủy điện Hủa Na, cùng với 7 bản khác trong xã, người dân bản Ăng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An di dân lên điểm tái định cư mới. Mặc dù đồng bào đã được hỗ trợ đời sống từ dự án tái định cư, nhưng do thiếu đất sản xuất, nên tỷ lệ hộ tái nghèo rất cao.

Hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Hủa Na có thiết kế 5.300 km2, với những nhánh sông Chu tỏa khắp các ngóc ngách. Sự hiện diện của công trình thủy điện mang lại diện mạo mới cho một vùng núi rừng Pù Hoạt. Trường học, trạm xá, hệ thống đường, điện... được xây dựng phục vụ bà con, nhưng việc thiếu đất sản xuất đã khiến nhiều hộ gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Anh Lương Văn Hải, trưởng bản Ăng cho biết, năm 2014, cả bản có 29/64 hộ thuộc diện hộ nghèo, nhưng bước sang năm 2015 con số hộ nghèo lại tăng lên 40/66 hộ, điều này khiến các cán bộ xã, bản như anh Hải luôn băn khoăn, trăn trở.

Một góc bản Ăng.

Theo anh Hải, tình trạng đáng buồn trên xảy ra là do tiền đền bù ruộng đất nhận từ chủ đầu tư bà con đã dồn hết vào việc xây dựng nhà mới, nên không có của để dành. Thêm vào đó, thời gian tái định cư chưa dài, cả bản còn 40 hộ chưa được giao đất sản xuất. Vấn đề thiếu đất khiến người dân không có việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng.

Hiện nay, người dân bản Ăng vẫn sống chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp 30 kg gạo/khẩu/tháng từ công trình thủy điện Hủa Na. Nguồn thu nhập chính đến từ việc khai thác lâm sản phụ trong rừng Pù Hoạt và khoản hỗ trợ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của xã cho mỗi hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Để tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, bà con bản Ăng đã bắt đầu tập trung trồng sắn cao sản; đánh bắt thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, công việc làm theo mùa, nên đời sống không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Người dân bản Ăng tập trung xây sửa nhà ở điểm tái định cư.

Anh Lô Văn Hùng là hộ nghèo của bản Ăng cho biết, điểm tái định cư có điều kiện vật chất tốt hơn nơi ở cũ, nhưng việc thiếu đất làm nương, đất ruộng canh tác cùng những việc làm mùa vụ không bền vững khiến nhiều gia đình trong bản tái nghèo. Anh Hùng hy vọng, các cấp chính quyền sẽ đẩy mạnh việc cấp đất sản xuất, giao khoán rừng, tạo điều kiện cho bà con trong bản được sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bản Ăng và xã Thông Thụ được biết đến nhiều nhờ việc thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhưng cũng chính vì “thành tích” ấy lại khiến học sinh ở đây phải học ghép. Chị Lương Thị Phượng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết, do đời sống bà con còn khó khăn nhưng vì sinh ít, con em trong bản cháu nào cũng được quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, cũng chính vì tỉ lệ sinh những năm qua luôn ở mức thấp, nên tổng số học sinh của xã rất ít, dù không xảy ra tình trạng thất học, nhưng các em phải học ghép lớp, việc đảm bảo chất lượng giáo dục cũng là một thử thách đối với nhà trường và các cấp chính quyền.

Hy vọng rằng, thời gian tới, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, bản Ăng và xã Thông Thụ sẽ được xóa nghèo bền vững, vươn lên từ núi rừng, để bản thực sự là một mảnh đất văn hóa trù phú giữa đại ngàn hùng vỹ.
Bài và ảnh: Mai Linh
Đồng bào tái định cư cần đất sản xuất
Đồng bào tái định cư cần đất sản xuất

Sau 8 năm chuyển về bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) để nhường đất cho dự án tái định cư (TĐC) thủy điện Sơn La, cuộc sống của các hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi đất sản xuất đã chuyển đổi để trồng cây cao su, nhưng một vài năm trở lại đây việc làm tại Công ty cổ phần Cao su Sơn La khó khăn, người dân đi làm không lương; nhiều trẻ em đã phải nghỉ học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN