Bản Mông - nơi mùa xuân vẫy gọi

Sau hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với gần 20 km đường dốc uốn lượn như đường lên trời, những đám đá nhọn như lưỡi rìu chổng lên như muốn nuốt chửng bánh xe, tôi đến được Lùng Ác, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai). “ Đặc sản” của Lùng Ác không gì khác là mây mù, cái lạnh đến thấu xương và vực sâu. Lên đến trung tâm bản, những căn nhà như những tổ chim nằm cheo leo bên vách núi. Đó là nơi định cư của người Mông từ bao đời nay. Những cây đào, cây mận ven đường đang chúm chím những nụ hoa như một tín hiệu mùa xuân đang về trên bản Mông ở đỉnh trời này.

Sau 3 lần hỏi với vốn tiếng Mông ít ỏi, chúng tôi tìm đến được nhà ông Sùng Seo Chu - Trưởng bản Lùng Ác. Ông Chu năm nay 53 tuổi, làm trưởng bản nhiều năm nay. Khi nghe tin có khách đến nhà, ông vội bỏ buổi làm đồng về nhà sau khoảng 1 giờ đồng hồ.

Mây mù quanh năm bao phủ Lùng Ác.


Qua ông Chu, chúng tôi được biết, Lùng Ác là bản định cư của đồng bào Mông từ năm 1981. Khi ấy, từ Bắc Quang - Hà Giang do nhu cầu định canh định cư lâu dài nên đồng bào đã chuyển sang Lùng Ác và định cư cho đến hôm nay. Cả bản hiện có 60 hộ dân cùng sinh sống trên các sườn núi với 331 nhân khẩu. Đồng bào ở đây sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp trong đó lấy canh tác trên sườn núi là chủ yếu. Ông Chu kể rằng: Tập quán của người Mông là thích sống trên núi cao nên cả bản tìm lên tận đỉnh Lùng Ác để định cư. Nhưng lại rất khó khăn khi canh tác nông nghiệp. Tuy thế, người dân ở đây rất cần cù và chịu khó khai hoang đất đai để trồng cấy lúa và hoa màu. Cả bản hiện chỉ có 72 ha ruộng trồng lúa nước còn lại chủ yếu là trồng lúa nương. Ông Chu nhẩm tính rằng bản Lùng Ác chỉ có cây ngô là loại cây ăn đời ở kiếp với đồng bào bản ông. Cả bản có hơn 2.000 ha đất trồng ngô và sắn. Còn cây lâm nghiệp lấy gỗ ở đây tuy đất rộng nhưng lại rất khiêm tốn, dân bản chỉ trồng được sa mu và gỗ mỡ còn lại gỗ keo hầu như không có. Chị Vàng Thị Sống (37 tuổi) kể rằng: “ Ở đây nhiều đất hoang lắm nhưng giống sắn lại đắt nên khó khăn lắm, chỉ trồng ngô thôi”. Kết hợp với trồng trọt, người dân Lùng Ác cũng tích cực chăn nuôi. Hiện tại, cả bản có 60 con ngựa và 284 con trâu. Ngoài ra đồng bào vẫn giữ tập quán nuôi lợn thả rông.

Trưởng bản Sùng Seo Chu.


Lời kể của ông Chu đượm buồn vì ông nhắc đến những ngày giáp hạt của bản. Ông kể rằng: Trong bản chỉ có khoảng 20 hộ là có ruộng nước thôi vì ở đây thiếu nước, muốn làm ruộng nhưng chẳng dẫn được nước về nên đành phải trồng lúa trên nương. Do vậy năng suất chẳng đáng bao nhiêu. Cứ đến tháng 3, cái đói mòn đói mỏi lại đến với người dân bản ông. Tình trạng thiếu ăn diễn ra trong nhiều tháng dài. Lúc đó, ẩm thực Lùng Ác chỉ là mèn mén mà thôi.

Để chống lại thiên tai và có những căn nhà vững chãi, người Mông Lùng Ác đã dành dụm tiền để mua những tấm blo về lợp nhà. Cả bản hầu như nhà nhà đều lớp mái blo ximăng kiên cố để che mưa che nắng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ định cư lâu dài trên mảnh đất hứa này. Ông Chu bảo rằng: “Bản Lùng Ác từ khi định cư đến nay không có tình trạng du canh du cư và truyền đạo trái pháp luật, tình hình an ninh chính trị vẫn luôn ổn định”.

Phụ nữ Mông ở Lùng Ác vẫn thường tự may cho mình những bộ máy sặc sỡ.


Nhờ cần cù làm ăn nên năm nay, số hộ nghèo của bản đã giảm tới hơn chục hộ. Nếu năm 2010, hầu như cả bản đều là hộ nghèo thì đến năm sau đã giảm xuống còn 47 hộ. Tuy thế, con số này vẫn là mức cao. Điều đó đủ khẳng định Lùng Ác vẫn còn nghèo lắm.

Đời sống văn hóa của Lùng Ác hôm nay đã có nhiều đổi khác. Mỗi tháng, bản tổ chức họp một lần tại nhà văn hóa ở trung tâm bản. Ở đó, người dân được bàn bạc, trao đổi về đời sống rồi được nghe đọc những bài báo mang hơi thở những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Những hủ tục ở bản đã được đẩy lùi. Ông Chu cho biết, hiện nay, chuyện hiếu hỉ được tổ chức rất gọn nhẹ, không đình đám như trước nữa. Đám cưới chỉ rút xuống trong một ngày thôi để tránh lãng phí. Song, cuộc sống của người dân nơi đây còn thiếu thốn lắm. Cả bản chỉ có 2 chiếc ti vi, điện vẫn chưa có nên phải chặn dòng suối mang điện “lờ mờ” về nhà, nếu không lại tù mù đèn dầu. Có tiền nhưng không thể mua tivi vì không có điện lưới. Bản cách xa trung tâm, đường đi lại khó khăn hiểm trở nên việc nắm bắt những thông tin còn nhiều hạn chế. Mỗi tuần dân bản chỉ đi chợ một lần để mua sắm vật dụng sinh hoạt. Xã đã cho bản một dự án nước sạch nhưng lâu rồi mà chưa thấy có nước về. Dân bản vẫn lấy nước tận dưới khe suối.

Sơn nữ ở Lùng Ác.


Cái nghèo đeo đẳng làm cho chuyện học hành của con em ở Lùng Ác cũng trở nên khó khăn. Trưởng bản Chu trăn trở: Nhà xa trường, xuống núi học chữ khó khăn lắm, bọn trẻ thường trốn học, vận động mãi mới chịu nghe. Khi gặp lũ trẻ đang chăn trâu, ngựa bên sườn núi, chúng tôi mới thấu hiểu được cái nghèo như thấm vào cả sự hồn nhiên của bọn trẻ trên đỉnh trời này. Đứa nào tóc cũng vàng hoe, mặt lem luốc mang đầy nắng, gió của vùng cao. Hỏi Sùng A Thìn, em trả lời ấp úng: “Có muốn đi học, năm nay học lớp 4...”, còn sơn nữ Lý Thị Vàng thì hồn nhiên nói: “Bỏ học từ lớp 9 rồi, không đi học nữa”. Thế nhưng không vì thế mà Lùng Ác trở thành mù chữ. Ông Chu tự hào kể rằng bản có tới ba cháu học đại học, riêng nhà ông đã góp mặt hai cháu là Sùng Minh Thành và Sùng Dùng Bềnh. Ở bên kia sườn núi, Thào Seo Sáng cũng học năm thứ 2 Đại học Giao thông. Ông Chu còn cho biết mong muốn của bản là có được điểm trường ngay tại bản cho các cháu đi học đỡ khổ hơn.

Những đứa trẻ Lùng Ác tự tạo niềm vui cho mình.

Thời tiết của Lùng Ác cũng khá đặc biệt, quanh năm có mây mù, khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều. Đến khoảng tháng 11 là mây mù dày đặc không nhìn thấy rõ người. Điều đó cũng ảnh hưởng tới việc làm ăn của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Chu tiết lộ với niềm kỳ vọng lớn là đợt tới ông cùng dân bản sẽ đưa giống thảo quả về trồng thử trên đất Lùng Ác. Với khí hậu mát lạnh như vậy, ông hy vọng cây thảo quả sẽ “bén duyên” vùng đất nghèo này.

Cây sắn đang lan tỏa màu xanh tốt trên đất đá Lùng Ác.


Mùa xuân này ông Chu và dân bản Lùng Ác vui hơn vì cuộc sống nơi đây đã ổn định và no ấm, người dân có của ăn của để, có sản phẩm mang đi trao đổi. Người dân bản Mông sẽ tổ chức cho mình một cái Tết thật vui và đầm ấm. Họ sẽ giữ cho mình những nét văn hóa, tập quán vui xuân từ bao đời nay của người Mông.

Chia tay Lùng Ác khi đám mây mù đang tan dần để lộ ra những mái nhà bình yên chon von bên sườn núi và những nương ngô, nương sắn đang vươn mình xanh tốt. Con người nơi đây đã chinh phục và chế ngự thiên nhiên để giành lại sự sống từ bao đời nay. Dù Lùng Ác có cao, có xa, có nghèo nhưng người Mông nơi đây vẫn một lòng theo Đảng và rất mực thủy chung với đỉnh trời này. Dọc đường xuôi xuống dốc núi, tiếng khèn vang lên khắp triền núi hòa vào sắc hồng của hoa đào, trong lòng chúng tôi như thầm nghĩ: Mùa xuân đã về!

Nguyễn Thế Lượng 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN