Bản Mây - một mùa xuân trọn vẹn

Bản nhỏ của đồng bào Mông ấy chỉ vẻn vẹn có 42 nóc nhà, nằm chót vót lưng chừng trời, cheo leo bên một sườn núi cao, chông chênh giữa biên giới hai nước Việt-Lào, cách đồn Biên phòng Cầu Gác chúng tôi 37 km. Dân bản mới di cư từ vùng núi Kỳ Sơn, Nghệ An đến ở đây vài năm nay.

Người Mông quen di cư, đến đâu, họ phá rừng làm rẫy, vào rừng săn bắn và trồng cây thuốc phiện. Được vài ba mùa rẫy lại “nhảy cóc” sang vùng khác. Thế nên, bản không có tên trên bản đồ. Lính biên phòng hai nước quen gọi là Bản Mây.

Nhìn từ xa, Bản Mây với những ngôi nhà lúp xúp trông như những hộp diêm ẩn hiện trong mây trắng bên trời. Để nắm dân, chỉ huy đồn cử tổ công tác gồm tổ trưởng Nguyễn Văn Bình, tôi và Lê Vũ về “3 cùng” với dân bản.


Đồn trưởng Võ Trọng đến bắt tay từng người, dặn: “Người Mông chỉ tin ai khi thấy việc tốt người đó làm. Đã tin ai là tin đến cùng, làm theo người đó đến cùng. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, điều đầu tiên các cậu phải làm là làm cho dân thực sự tin mình!”.

Chúng tôi hăm hở lên đường. Dọc đường, tổ trưởng Bình bàn với tôi và Vũ:

- Trưởng bản Mây là già Mùa Dông Và, một thợ săn nổi tiếng, rất hiền lành và trung thực. Có lẽ ta nên xin vào ở nhà ông. Đối với người vùng cao, mọi việc phải bắt đầu từ già làng, trưởng bản.

Bộ đội biên phòng mang cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc.


Chúng tôi đồng ý. Đã “3 cùng” với dân thì việc đầu tiên là phải ăn uống với dân. Buổi đầu tiên dọn mâm cơm ra, tôi và Vũ nhìn nhau ngao ngán. Thấy thái độ của chúng tôi, tổ trưởng Bình kéo hai thằng lại, rỉ tai:

- Ăn uống lúc này cũng là một nhiệm vụ, là biểu hiện mình tôn trọng dân. Dân ăn được, mình cũng ăn được. Có thế dân mới tin mình!

Trong bữa ăn, già Mùa Dông Và cứ ngồi ngầm nhìn chúng tôi. Thấy chúng tôi chén sạch những món được dọn ra, tấm tắc khen ngon với nhau, già gật gật đầu.


Mấy hôm sau thấy chúng tôi ngày ngày đến từng nhà thăm hỏi, cho thuốc người bệnh, chiều đến đưa các cháu nhỏ ra suối Huội Na tắm rửa, vui đùa với chúng, ánh mắt già nhìn chúng tôi đã tỏ ra thân tình. Một buổi sáng, thấy già ở nhà, tổ trưởng Bình lấy cuốn sách Tập đọc lớp 1 có vẽ tranh cho già xem. Già cầm cuốn sách lên tay, nhấc nhấc như cách xem nặng nhẹ thế nào rồi lật từng trang, ngắm nghía:

- Ồ, cái sách nó vẽ cả các con vật trong bản ta, vẽ cả cái nhà sàn của người Thổ, người Thái, người Mường, cả cái nhà xây của người Kinh nữa lớ. Giỏi quá lớ!

Thấy già vui, anh Bình và tôi mừng quá, bèn nói với già rằng đây là cái sách dạy cái chữ. Rằng biết được cái chữ thì biết được nhiều chuyện ở mường xa, bản gần, cái bụng sáng ra, làm được nhiều việc. Già cười hiền lành:

- Nghe bộ đội nói, ta ưng cái bụng đấy. Nhưng từ khi ông mặt trời biết sáng, cây rừng biết mọc, người Mông ta có học cái chữ đâu. Cái lưỡi người Mông ta cứng như cái thìa gỗ rồi, không còn đọc cái chữ được nữa, lớ!

Hết sức vui vẻ, tổ trưởng Bình chỉ vào con gà nói với già:

- Già ơi, già cứ nói theo con. Dễ thôi mà! Đây là con gà. Cái chữ nói là…

Già ngọng nghịu đọc theo: “Gờ…a…ga huyền…à!”. Tuy già phát âm chưa chuẩn, chúng tôi cũng gật đầu lia lịa, khen lấy khen để. Mừng là già đã chịu học, chúng tôi chẳng hề biết Y Dua, cô con gái 17 tuổi của già, đang nép sau cửa buồng để nghe và lẩm nhẩm đọc theo.


Khi Y Dua đọc lên một tiếng to quá, tiếng cô lại trong veo vẻo, tổ trưởng Bình và tôi mới giật mình quay lại. Y Dua nhìn chúng tôi mặt chín lựng, nụ cười sơn cước bẽn lẽn trên môi như một đóa hoa rừng. “Ôi chao, giữa núi đỏ, rừng xanh mà…”. Thấy tôi xuýt xoa, tổ trưởng Bình lừ mắt nhìn tôi rồi quay sang Y Dua tươi cười:

- Y Dua đọc hay lắm! Trúng lắm! Y Dua học với già cho vui đi!

Từ hôm ấy, già và Y Dua không lúc nào rời cây bút và quyển sách. Y Dua tiếp thu bài rất nhanh. Chỉ sau một tháng, cô đã đọc và viết chính tả được gãy gọn. Một hôm, anh Bình đưa cho Y Dua cuốn sách “Vợ chồng A Phủ”. Tối ấy, chúng tôi để ý thấy đèn trong buồng cô sáng suốt đêm. Sáng ra, với cặp mắt đỏ hoe, Y Dua đưa cuốn sách cho già. Săm soi đọc một lúc lâu, bỗng già đi ra khỏi nhà nói lớn:

- Bớ dân bản, có điều lạ đấy. Cái chữ trong sách nó biết kể chuyện đấy. Nó kể chuyện người Mông ta đấy. Bớ dân bản, ra mà nghe cái chữ nó kể chuyện!

Sau buổi sáng ấy, dân bản nghe lời già và các chư xểnh (trưởng họ), kéo đến nhà già học cái chữ để “nghe nó kể cái chuyện hay lắm”. Chúng tôi về đồn lấy thêm sách vở, giấy bút. Lớp học được tổ chức.


Mọi người nhất trí bầu Y Dua làm trưởng lớp. Thế là từ đó ba chúng tôi có Y Dua làm trợ giảng, thay nhau dạy chữ cho dân bản. Ba tháng trôi qua, khi mọi người bắt đầu đánh vần và viết được, chúng tôi liền phát cho dân bản sách báo và cả những tài liệu viết về ma tuý, thuốc phiện, về bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng lúa nước…


Bà con dân bản đọc sách, báo vồ vập lắm. Đi nương, đi rẫy ai cũng có quyển sách, tờ báo trong “lù cở”. Những từ khó như AIDS, ma túy, họ kéo đến hỏi chúng tôi cho kỳ hiểu mới thôi.

Dịp này anh Bình về đồn nhận nhiệm vụ mới. Tôi được bổ nhiệm thay anh làm tổ trưởng. Thời gian trôi thật nhanh. Thấm thoắt đã gần Tết, chúng tôi sắp hết hạn công tác ở Bản Mây. Ruột gan tôi như lửa đốt.


Nhiệm vụ tiếp theo là vận động dân bản phá bỏ và thôi trồng cây thuốc phiện, chúng tôi vẫn chưa làm được. Mấy lần tôi mạnh dạn ướm hỏi, nhưng già Mùa Dông Và cứ ậm ừ. Còn Y Dua nét mặt như có lỗi, khép nép ngồi im lặng. Sau một lúc nhíu mày, già chậm rãi buông từng tiếng:

- Khó đấy bộ đội à. Bao đời nay thuốc phiện là nguồn sinh sống của người Mông ta. Cái lý của người Mông ta là: “Đi bán cầm nhẹ tay mà về nặng túi bạc”. Người Mông ta trồng thuốc phiện để dùng, để đổi lấy cái cày, cái cuốc, cái dao, cái rựa, cái vải, cái muối, cái vòng bạc…Vẫn biết là trong cây thuốc phiện có hồn con ma rừng. Nhưng phá bỏ nó đi, dân bản ta sống bằng gì?

- Già ơi! - Tôi nhỏ nhẹ nói với già - thì ta trồng cây lúa nước, cây ngô. Chăn nuôi con trâu, con bò, con dê, con lợn, con gà… Ngoài rừng ta trồng cây pơmu, cây quế, cây vải thiều, cây cam, cây chanh, cây quýt… Nhiều bản, nhiều mường người Thái, người Thổ, người Khơ mú, cả người Mông ta họ đã làm thế. Không những họ chẳng đói nghèo đi mà còn giàu lên nữa đó.

Già im lặng, không nói không rằng. Chập tối ấy, ngồi bên bếp lửa giữa nhà, tôi nói với già ngày kia chúng tôi phải xa bản về đồn nhận nhiệm vụ mới. Già nói buồn:

-Bộ đội đi rồi, cái suối, cái rừng, cái núi, dân bản ta nhớ bộ đội lắm đấy. Bộ đội đã dạy cho dân bản cái chữ để sáng thêm cái bụng. Dân bản nhớ ơn bộ đội như cái cây nắng lâu ngày nhớ ơn mưa. Nhưng cũng còn có điều ta chưa phải với bộ đội!

Khi tổ công tác chúng tôi cùng dân quân bản đi tuần tra thì già cũng lặng lẽ đi đâu mãi đến khuya mới về. Mờ sáng hôm sau, chúng tôi vừa thức dậy đã thấy người già, con nít, thanh niên trong bản mang theo dao, phạ, gậy gộc… kéo đến chật kín sân nhà già. Chúng tôi nhìn nhau chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, vội vàng chạy đến hỏi già:

- Gì vậy già? Họ kéo nhau đi đánh nhau với ai vậy già?

Già với tay cầm cái phạ ở góc nhà vác lên vai, nói cụt lủn:

- Đi thôi bộ đội! Khắc đi! Khắc biết!

Già vác cây phạ đi trước. Dân bản lũ lượt theo sau. Đoàn người đi qua hơn 10 con suối, lại leo gần 10 con dốc nữa. Quá trưa đến một quãng rừng già thì mọi người dừng lại. Chúng tôi ai cũng sửng sốt. Trước mắt chúng tôi là một sườn núi bạt ngàn cây thuốc phiện đang mùa nở hoa. Những bông hoa màu trắng, màu tím, màu hồng ẻo lả, dập dờn ma quái trong nắng, trong gió. Già Mùa Dông Và leo lên một mô đất cao, chống cây phạ xuống. Như một thủ lĩnh trước đoàn quân, ông nói lớn:

- Bớ dân bản! Dân bản ta đã học được cái chữ, đọc được cái sách, cái báo, biết được cái bụng tốt của bộ đội. Cái sách, cái báo nói lời của Đảng, của Chính phủ trúng đấy! Trong cây thuốc phiện có hồn con ma rừng. Bao đời nay con ma rừng nó làm người Mông ta điêu đứng. Phải phá bỏ nó đi thôi! Giết chết con ma rừng đi thôi!

Những ngọn đuốc đẫm nhựa cà boong nhảy múa quanh các rẫy cây thuốc phiện. Chúng tôi nhìn ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt thiêu rụi những cây thuốc phiện được mang đến chất lên giàn lửa mà không sao cầm nổi nước mắt. Mùi nhựa cây cháy bốc lên ngai ngái, khét nồng đến tức thở. Hạnh phúc đến với người lính thật bất ngờ!

                                                                     * * *

Khi tôi viết những dòng này, một mùa xuân nữa lại về với Bản Mây. Xuân này, già Mùa Dông Và lên lão 80 và già vẫn khỏe mạnh. Y Dua thì hiện đang là cô giáo dạy chữ cho các bản đồng bào Mông miền biên viễn.


Đặc biệt vui là hiện Bản Mây đã bỏ hẳn cây thuốc phiện, đã “an cư” và đang là điểm sáng về trồng cây lúa nước, cây pơmu, các thứ cây ăn quả và chăn nuôi gia súc… Cái bản Mông cheo leo bên sườn núi cao, nằm chót vót ở lưng chừng trời quanh năm mây trắng phủ đầy, đón mùa xuân mới Tân Mão này đã thành 45 nóc nhà!

Nguyễn Xuân Diệu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN