Bản Bằng mong lắm điện về

Bản Bằng thuộc xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, hiện có 51 hộ dân với 246 nhân khẩu đều là người Dao. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tuy nhiên, Bản Bằng hiện là bản khó khăn nhất của xã Nghĩa Tá về giao thông, thủy nông và là thôn duy nhất của xã chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Triệu Văn Sinh năm nay đã trên 80 tuổi. Mong muốn lớn nhất của ông là Bản Bằng có điện và đường đi lại dễ dàng. Ông nói: Người Dao ở Bản Bằng đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu, đã từng che chở Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nhà nước đã đầu tư cho xã Nghĩa Tá rất nhiều, nhưng hiện Bản Bằng là thôn duy nhất của Nghĩa Tá chưa có điện, đường sá đi lại rất khó khăn.

Theo ông Sinh, từ năm 12 tuổi (năm 1943) ông đã từng cùng với cha mình đưa cơm, làm giao liên cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Vì thế, ngoài mong muốn có điện, có đường cho thôn Bản Bằng, ông mong muốn Nhà nước đầu tư, tôn tạo khu di tích lịch sử quốc gia Pù Cọ - Bản Bằng xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của nó. Hiện ở đây mới chỉ có bia đánh dấu địa điểm lịch sử này.

Ảnh minh họa: TTXVN


Khi vào Bản Bằng thăm khu di tích lịch sử quốc gia Pù Cọ - Bản Bằng, chúng tôi phải đi trên con đường vừa lầy lội vừa gập ghềnh, ô tô không thể đi được, xe máy đi lại cũng rất nguy hiểm bởi sự gồ ghề của con đường, nhiều đoạn phải vượt qua suối cạn, dốc cao vực sâu.

Theo chị Ma Thị Ngần, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Tá, nếu mưa to kéo dài, nước suối lên cao thì Bản Bằng bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Do không có điện nên sinh hoạt của người dân cũng rất khó khăn, nhiều nhà có điều kiện nhưng không thể mua tivi để xem, quạt để dùng. Cả thôn không có máy xay xát, người dân thường phải chở lúa đi xa 10 km để xát gạo, rất vất vả.

Tại thôn Bản Bằng hiện đã xác định được 4 di tích lịch sử, trong đó có di tích lịch sử quốc gia Pù Cọ - Bản Bằng, một trong những căn cứ quan trọng của Đảng ta trong những năm 1943-1945. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Vặn Lạc, Chu Văn Tấn đã sống và làm việc tại đây. Trên đỉnh Pù Cọ là nơi gặp nhau của hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến để trao đổi kinh nghiệm, đánh giá tình hình phát động quần chúng để mở rộng phong trào đến các địa bàn lân cận.

Tại Bản Bằng còn có 3 di tích lịch sử được ghi nhận là: Di tích nền nhà ông Triệu Phú Dương, một cơ sở cách mạng thời kỳ 1943-1945, nơi gặp gỡ của hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến; di tích nền lán Bác Hồ nghỉ chân trên đường đi công tác từ Cao Bằng về Tuyên Quang năm 1945 và di tích xưởng sửa chữa vũ khí cho hai đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến phục vụ khởi nghĩa năm 1945.

Ông Ma Đình Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tá cho biết: Nghĩa Tá có 9 thôn, hiện 8 thôn đã có điện lưới quốc gia, chỉ còn thôn Bản Bằng là nơi có di tích lịch sử quốc gia lại chưa có điện. Bản Bằng hiện là thôn khó khăn nhất của xã Nghĩa Tá, toàn thôn có 51 hộ thì có đến trên 51% là hộ nghèo, trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn xã là 17,33%. Xã đã nhiều lần có ý kiến với huyện, tỉnh về việc đưa điện về Bản Bằng và đầu tư làm đường giao thông nông thôn cũng như hệ thống thủy nông cho Bản Bằng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ được đầu tư nhỏ giọt theo từng năm và mới làm được 1/3 đoạn đường vào Bản Bằng, còn điện thì chưa thấy, hệ thống thủy nông cũng chưa được đầu tư.

Mong rằng Bản Bằng tiếp tục được Nhà nước quan tâm đầu tư để nhanh chóng có điện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần, từng bước xóa nghèo bền vững cho đồng bào Dao ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng này.


Nguyễn Trình
Lớp học đặc biệt trên đỉnh núi Cha
Lớp học đặc biệt trên đỉnh núi Cha

Tháng 8 ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái), mưa trút xuống từng đợt dai dẳng khiến các con đường bị sình lầy, khó đi. Nhưng điều ấy chẳng thể ngăn những bàn chân nối nhau rạch bùn trong đêm, hướng về lớp học xóa mù chữ ở các thôn bản hẻo lánh nằm lưng chừng ngọn núi Cha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN