Bài học trong công tác bảo vệ trẻ em dân tộc

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang tích cực điều tra, xác minh để đưa các em dân tộc thiểu số đang làm việc tại các cơ sở may mặc, giày da tại TP Hồ Chí Minh về đoàn tụ cùng gia đình; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục đến lớp; phổ biến Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em để bà con hiểu và bảo vệ con em mình trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu.

 

Buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông có nhiều em nhỏ bị lừa đi lao động.


Theo các cơ quan chức năng, từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đến nay, tại các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Lắk (tỉnh Đắk Lắk), đã có rất nhiều học sinh tiểu học, trung học cơ sở dân tộc thiểu số bỏ học do có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi các ngành chức năng đến vận động các em đi học trở lại, thì phát hiện ra nhiều em đã bị các đối tượng môi giới đưa đi làm tại các cơ sở may mặc, giày da tại TP Hồ Chí Minh.


Mới đây, một bé gái dân tộc Êđê, ở huyện Krông Bông đã gọi điện về nhà cầu cứu gia đình, vì phải làm việc quá sức trong một cơ sở may mặc, không được trả lương. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã xác định đây là vụ việc nghiêm trọng và gửi công văn tới ngành chức năng huyện Krông Bông đề nghị tiến hành xác minh, làm rõ.


Theo báo cáo xác minh của Công an huyện Krông Bông, lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự nhẹ dạ cả tin của một số gia đình ở các xã Yang Kang, Yang Reh, Ea Trul (huyện Krông Bông), từ tháng 2 - 3/2014, các đối tượng tên H’Yu Bdap (tên gọi khác Amí Han), H Wơi Bkrông, H Nơi Bkrong... (cùng trú buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã móc nối với một số chủ cơ sở may mặc tại TP Hồ Chí Minh, đưa hàng chục trẻ em tại địa phương đi lao động trái phép. Họ vẽ ra viễn cảnh tươi sáng như lương cao, không phải lo tiền ăn, tiền xe, có người dẫn đi... nên rất nhiều gia đình đã đồng ý cho con, em đi lao động.

 

Hãy để trẻ em được quyền vui chơi, học tập.


Ngoài huyện Krông Bông, các huyện Lắk, Cư Kuin cũng có hàng chục học sinh tiểu học, trung học cơ sở là dân tộc thiểu số bị môi giới, đưa đi làm việc tại các cơ sở may mặc, giày da tại TP Hồ Chí Minh. Đa số các em là nữ, trong độ tuổi 9 - 16.


Khi vào TP Hồ Chí Minh, các em bị các cơ sở sử dụng lao động ép làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ khuya/ngày, không có hợp đồng lao động. Các cơ sở sử dụng lao động chỉ thỏa thuận miệng sẽ trả lương 18 triệu đồng/em/năm với điều kiện các em không được bỏ về giữa chừng. Do bị vắt kiệt sức, nhiều em muốn về quê nhưng không dám vì chủ không trả lương.


Bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyện vọng của gia đình và bản thân các em, đều muốn về quê và tiếp tục được tới trường. Vì vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Lắk đã có công văn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương kiểm tra, thanh tra các cơ sở sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, có hình thức xử phạt nghiêm khắc, bảo đảm quyền lợi cho các em, đồng thời tạo điều kiện đưa các em trở về địa phương an toàn. Sự việc trên là bài học cho các bậc cha mẹ và bản thân các ngành chức năng Đắk Lắk trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

 

Bài và ảnh: Anh Dũng

Chăm lo cho thí sinh dân tộc thiểu số
Chăm lo cho thí sinh dân tộc thiểu số

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất. 2 Hội đồng coi thi khó khăn nhất về cơ sở vật chất nay cũng đã có phương án đảm bảo kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN