Bắc Kạn gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 2,5%/năm theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm; giải quyết việc làm cho 4.500 lao động, dạy nghề cho 6.500 người; cho vay tín dụng ưu đãi khoảng 5.487 hộ; 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 95% hộ nghèo có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% hộ nghèo có nhà ở đảm bảo chất lượng...

Theo kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh Bắc Kạn chiếm 41,4%, đây là số hộ không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin.

Đường liên thôn được bê tông hóa.

Để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập và vươn lên thoát nghèo, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Gắn công tác giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, xây dựng kế hoạch, chương trình lồng ghép các đề án, dự án cụ thể nhằm thống nhất trong tổ chức quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo thuộc vùng khó khăn. Bên cạnh đó chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và dạy nghề để người nghèo có điều kiện chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác...

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững luôn được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chú trọng. Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ - CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ 13 dự án, chính sách lớn về giảm nghèo; trong đó có 6 chính sách giảm nghèo chung, 7 dự án, chính sách giảm nghèo đặc thù (thực hiện tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn).

Bắc Kạn tạo cơ hội cho bà con có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Qua đó đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả đã có tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo từ 32,13% năm 2011 giảm xuống còn 11,63% năm 2015.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh) thì kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao, đời sống của người dân nông thôn khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa sâu rộng nên nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở và một số hộ nghèo còn hạn chế, có biểu hiện trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo; các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo hiệu quả còn thấp. Công tác rà soát, bình xét hộ nghèo còn nhiều bất cập về tiêu chí và biện pháp thực hiện, còn nể nang, né tránh, chưa phản ánh đúng đối tượng...
Bài và ảnh: Đức Hiếu
Đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo
Đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo

Sau khi khảo sát tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có đánh giá toàn diện về việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN