“Bà đỡ” của đồng bào nghèo

Với địa bàn miền núi khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao, không có nhiều hộ đủ điều kiện về vốn để phát triển sản xuất, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một khoản vay kịp thời giúp nhiều hộ vươn lên khá giả”, ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Tè, Lai Châu cho hay.

Năm 2014, nông dân Trịnh Ngọc Giang, bản Nà Hẻ, xã Bum Nưa được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Cộng thêm tiền vay mượn anh em, anh làm chuồng trại và bắt đầu ấp vịt giống. Đến nay, trang trại của anh đã có vài trăm con vịt giống, cứ 2 - 3 tháng lại gối lên nhau một lần ấp, cung ứng đủ vịt giống cho nhân dân trong xã, cũng như cả huyện Mường Tè. 

Nhiều hộ vay vốn mua gia súc về nuôi, vừa làm sức kéo vừa nuôi sinh sản.

“Hồi tôi chưa làm lò ấp vịt giống, bà con quanh đây toàn phải đi mua xa, với giá lên tới 20.000 đồng/con. Có khi vận chuyển khó khăn còn không có vịt mà mua. Từ ngày tôi làm, vịt giống chỉ có giá 14.000 con, lúc nào cũng có sẵn. Hoạt động này vừa mang lại thu nhập cho gia đình, vừa giúp được bà con có con giống để nuôi”, anh Giang chia sẻ. 

Từ nuôi vịt giống, anh Giang có thêm nguồn vốn để mở rộng sang nuôi vịt đẻ, vịt thịt cung cấp trứng và vịt thịt cho thị trường huyện. Anh Giang là một ví dụ điển hình về những người có ý chí vươn lên, đã thành công, nhờ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Nông dân vay vốn phát triển chăn nuôi lợn.

Nhờ có đội ngũ cán bộ Hội sát sao, các mô hình như chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở xã Vàng San, nuôi trồng thủy sản ở xã Bum Nưa đều mang lại hiệu quả cao. Ông Lường Văn Chín, thôn Nà Lan, xã Bum Nưa được vay 30 triệu để mua trâu sinh sản. Chỉ trong vòng 3 năm, nhà ông Chín đã có thêm 2 con nghé con. Tính ra giá thị trường mỗi con nghé đã trị giá 20 triệu. “Cán bộ Hội tận tâm lắm, có thắc mắc gì đều được giải đáp. Nghe theo lời cán bộ Hội, mình làm chuồng trại đàng hoàng, trồng cỏ với đi cắt cỏ thêm cho ăn, trâu mau lớn và ít bị dịch bệnh lắm. Mấy con nghé này nuôi lớn, bán đi cũng được 30 - 40 triệu đồng/con”, ông Chín chia sẻ. 

Anh Trịnh Ngọc Giang (bên phải) tiêm vắcxin cho đàn vịt giống.

Tính tới nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện quản lý chưa có nợ xấu, lãi được trả đều đặn hàng tháng. Sau 3 năm, nguồn vốn từ các hộ gia đình được luân chuyển cho nhau. Theo ông Trần Văn Toàn, đạt được hiệu quả như vậy là nhờ đội ngũ cán bộ Hội và các chi hội trưởng nông dân năng động và tích cực. “Trước mỗi lần cho vay, cán bộ Hội đều rà soát, xem xét nhu cầu của từng hộ. Mường Tè có những xã nằm ở cách xa trung tâm, có bản cách trung tâm xã tới 40 km, để đốc thúc và quản lý hiệu quả của nguồn vốn, cán bộ Hội phải sát sao. Đi kiểm tra 1 hộ nhưng mất ngày đi đường là chuyện thường. Một phần do đặc thù, các xã chủ yếu là người DTTS, nên càng phải sát sao hơn. Ngoài cho vay vốn, cán bộ Hội còn phải tư vấn cho bà con làm chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi...”, ông Toàn cho biết. 
Bài và ảnh: Minh Đức
Thoát nghèo bền vững từ vốn chính sách
Thoát nghèo bền vững từ vốn chính sách

Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nên nhiều năm qua, tại tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế vườn, rừng tại các xã vùng sâu, vùng xa hiệu quả. Ngân hàng này đã trở thành người bạn đồng hành của người dân trong hành trình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN