An cư nơi biên cương Tổ quốc

Lào Cai là một địa phương đã giải quyết tốt những khó khăn về bố trí dân cư vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc, góp phần ổn định đời sống đồng bào vùng cao nói chung và cư dân biên giới nói riêng, giúp ổn định kinh tế - chính trị và giữ vững an ninh biên giới.

 

Tái định cư vùng biên giới Lũng Pô (xã A Mú Sung - Bát Xát - Lào Cai).

 

Trước khi có chủ trương của Nhà nước sắp xếp dân cư theo kế hoạch, ở Lào Cai đã có tình trạng di cư tự do của một số dân tộc thiểu số vùng cao, nhất là dân tộc Mông ở các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, xuống các địa phương khu vực vùng thấp trong huyện và trong tỉnh, thậm chí có một số hộ di cư ra ngoài tỉnh, gây xáo trộn lớn về dân số, mất an toàn xã hội và an ninh địa phương.


Sau 5 năm triển khai thực hiện "Đề án sắp xếp dân cư gắn với quy hoạch sản xuất", tỉnh Lào Cai đã sắp xếp ổn định cho hơn 6.000 hộ (trong đó thành lập được 34 thôn, điểm dân cư mới, sắp xếp ổn định cho 1.089 hộ, số hộ còn lại là sắp xếp xen ghép). Đây là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ có chính sách sắp xếp dân cư, các hộ dân sống phân tán, rải rác, hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm, biên giới... được quy tụ về nơi ở mới ổn định, nhà ở khang trang hơn, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Các điểm sắp xếp dân cư đã được đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, trạm hạ thế, trường học, nhà văn hóa... phát huy được hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đảm bảo đời sống của nhân dân ổn định, bền vững sau khi đến nơi ở mới.


Tại thôn Sán Pấy, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, chính quyền đã sắp xếp bố trí dân cư với quy mô 40 hộ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhân dân phát triển sản xuất. Đến nay các hộ cơ bản đã ổn định cuộc sống, trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường không còn nhọc nhằn như xưa nữa. Ông Giàng Chẩn Diu - Chủ tịch xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, Lào Cai chia sẻ: "Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều người dân xã tôi đã có nhà mới, đủ ăn đủ mặc. Cuộc sống gia đình ổn định, giờ chỉ tập trung vào sản xuất để tăng thu nhập kinh tế nữa thôi".


Về với Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi cảm nhận được rõ sự hiện hữu của mùa xuân trong sắc hoa đào ấm áp, tiếng nói cười rộn rã của trẻ em tung tăng trong bộ váy áo mới xuống chợ, tiếng í ới của đồng bào gọi nhau giúp sửa sang nhà cửa, mổ lợn, sắm Tết... Nơi đây được coi là một điểm sáng trong công tác bố trí sắp xếp dân cư của tỉnh Lào Cai những năm qua.


Với quy mô sắp xếp dân cư gần 50 hộ, đến thời điểm này, thôn Lũng Pô đã được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng như: giao thông, lớp học, nước ăn và khai hoang khoảng 4 ha ruộng nước, thủy lợi. Ông Ma Seo Páo - người trong thôn, hồ hởi cho biết: "Tết này có cái đường đi dễ dàng thuận tiện lắm rồi. Người trong thôn ai cũng vui lắm". Điểm Sa Pả cũng thuộc xã A Mú Sung có quy mô 22 hộ, sắp xếp mới 13 hộ, sau khi sắp xếp lại đời sống của người dân trong thôn cơ bản đã ổn định, không còn hộ đói, nghèo. Đây là điểm sắp xếp dân cư ra biên giới ngoại huyện (từ Mường Khương sang Bát Xát). Việc sắp xếp dân cư từ vùng này sang vùng khác đã có tác dụng phân bố lại dân cư, giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và tăng cường đảm bảo an ninh biên giới.


"Đồng bào ở vùng biên là lực lượng chủ yếu bảo vệ biên cương. Để giữ gìn sự bình yên biên giới, không phải chỉ ở chuyện tuần tra, kiểm soát mà quan trọng hơn, phải làm sao giữ được sự bình yên nơi biên giới lòng dân...", ông Vương Văn Khang - Trưởng phòng quy hoạch bố trí dân cư, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nhấn mạnh. Để mỗi người dân là một "cột mốc" bảo vệ biên cương Tổ quốc, thời gian tới cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai, để sau "an cư" đồng bào sẽ "lạc nghiệp".


Bài và ảnh: Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN