Xóa đói, giảm nghèo ở Tuyên Quang

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh giảm mạnh từ 67,8% (năm 2005) xuống còn 25%. Cuộc sống mới no đủ đã và đang đến với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang.

Hào Phú là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Năm 2005, toàn xã còn 270 hộ nghèo, nhưng nhờ huy động sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn, cùng với sự nỗ lực người dân, đã làm cho bộ mặt xã "thay da, đổi thịt" từng ngày.

Hiện số hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 115 hộ (chiếm gần 8,5% tổng số hộ trong xã).

Nhà mới xây của gia đình bà Lại Thị Chi, 70 tuổi, ở thôn Sơn Đông, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương nhờ sự hỗ trợ vốn của Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trần Tuấn – TTXVN


Đưa chúng tôi đi thăm những đồi mía xanh mướt đang chuẩn bị đến vụ thu hoạch, ông Vũ Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Hào Phú chia sẻ: Do đặc thù là xã miền núi diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp chủ yếu là đất đồi núi dốc, nên trước đây, bình quân mỗi ha đất canh tác người dân chỉ thu được khoảng 15 - 20 triệu đồng.

Nhưng từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đưa cây mía vào thì mọi chuyện đã hoàn toàn đổi khác. Với lợi thế trồng được trên đất đồi núi, khả năng chịu hạn tốt, cây mía đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân.

Hiện toàn xã có 700 hộ trồng mía, với tổng diện tích 160 ha, tổng sản lượng mía hàng năm bình quân đạt gần 7.050 tấn, doanh thu gần 5 tỷ đồng.

Ngoài cây mía, việc trồng rừng cũng đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc "xóa đói, giảm nghèo" ở Tuyên Quang. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được gần 60 nghìn ha rừng, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 64,7% và đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước.

Điều đáng chú ý, nhiều hộ trước đây nghèo khó nhưng nhờ trồng rừng đã và đang trở thành những hộ khá giả. Gia đình ông Đặng Văn Đài, xã Chân Sơn (huyện Yên Sơn) là một điển hình, với hơn 7 ha rừng keo, hiện chỉ tính riêng tiền thu từ chặt tỉa thưa rừng keo, mỗi năm gia đình ông cũng thu được gần 50 triệu đồng. Ước tính khoảng 1 năm nữa diện tích rừng cho thu hoạch đồng loạt gia đình ông sẽ thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng.

Cũng để giúp cho các hộ nghèo ở các xã, thôn bản, thuộc Chương trình 135 tự túc được lương thực, lần đầu tiên Tuyên Quang quyết định hỗ trợ miễn phí giống lúa, ngô lai cho hộ nghèo để sản xuất vụ mùa năm 2010.

Cách "xóa đói" mới này đã mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ. Nhiều hộ nghèo trước thiếu ăn triền miên nay đã có thể tự túc được lương thực nhờ vụ mùa bội thu, với năng suất lúa bình quân đạt 56,2 tạ/ha, ngô 42,1 tạ/ha. Đây là một trong những vụ mùa Tuyên Quang đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó trong giai đoạn 2006-2010, Chương trình 135 của Chính phủ ở Tuyên Quang đã huy động hơn 312,5 tỷ đồng đầu tư cho các chương trình, dự án, với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Nhờ đó, hiện 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh có 5 xã: Yên Hoa, Khuôn Hà (huyện Nà Hang); Tân Mỹ (huyện Chiêm Hóa); Bình Yên, Trung Yên (huyện Sơn Dương) ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn.

Vũ Quang Đán - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN