Xây đập thủy lợi để xóa nghèo

Khi biết công trình thủy lợi Khe To được khởi công, 11 hộ dân ở bản giáp biên Tả Lo San, xã Sen Thượng, Mường Nhé, Điện Biên vui mừng khôn tả. Công trình hoàn thành sẽ phục vụ tưới tiêu cho 10 ha lúa nước.

 

Cuộc sống của người Hà Nhì ở bản Tả Ló San sẽ bớt khó khăn khi những thửa ruộng có nước tưới tiêu.


Để ổn định cuộc sống của người dân, huyện Mường Nhé đã chủ trương xây dựng công trình đập thủy lợi Khe To. Theo thiết kế, đập sẽ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 10 ha lúa một vụ. Tổng vốn công trình là 1 tỷ đồng, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Ông Lỳ Phì Cà, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho hay: “So với các bản khác thì Tả Ló San là bản có điều kiện để khai hoang, phát triển diện tích ruộng lúa nước bậc thang trên những quả đồi không quá dốc, nguồn nước khe luôn được đảm bảo”.


Ông Lò Văn Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé nhẩm tính: “Từ TP Điện Biên vào tới điểm mốc xây dựng công trình là hơn 300 km. Chưa kể nguyên vật liệu mà chỉ tính riêng chi phí khảo sát thiết kế, chi phí vận chuyển và nhân công trong điều kiện địa hình khó khăn này đã chiếm phần lớn vốn đầu tư rồi. Hơn nữa, xây dựng ở vị trí này nếu hư hỏng cũng khó sữa chữa lắm. Khó vậy nhưng huyện, xã vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng đập thủy lợi Khe To để 54 nhân khẩu người Hà Nhì ở bản Tả Ló San khai hoang trồng lúa nước, có điều kiện thoát cái đói năm nào cũng dai dẳng đeo bám”.

 

Đồng bào Hà Nhì, bản Tả Ló San đang hy vọng có được những cánh đồng lúa như ở những bản khác trong huyện Mường Nhé.


Nếu Sen Thượng là xã biên giới khó khăn nhất của huyện Mường Nhé thì bản Tả Ló San là bản xa nhất, nghèo nhất của xã Sen Thượng. Bản Tả Ló San gồm 11 hộ, đều là đồng bào dân tộc Hà Nhì, được thành lập từ 14 năm trước, theo chủ trương đưa dân lên tuyến đầu giữ mốc biên giới giáp với Trung Quốc. Từ trung tâm xã Sen Thượng lên bản, chúng tôi phải vừa cuốc bộ vừa đi xe máy đúng 30 km đường xuyên qua rừng già âm u, núi dốc ngược mùa khô bụi mù mịt đất đỏ và mùa mưa nhão nhoẹt bùn sét. Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sản xuất phát triển kinh tế xã hội khó khăn nên 11 hộ dân ở đây đều là hộ nghèo.

 

Đường lên bản Tả Ló San vẫn còn gian khó.


Ông Lỳ Khò Chờ, Trưởng bản Tả Ló San cho hay: “Ở bản vẫn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Năm nào dân bản cũng phải chờ gạo cứu đói giáp hạt. Riêng năm 2013, trước và sau Tết Nguyên đán, dân bản được cứu đói giáp hạt 2 lần”. Anh Khoàng Chu Pồ, một người dân của bản Tả Ló San cho biết: “Nhà tôi có 6 khẩu, chuyển lên đây đã lâu rồi nhưng năm nào gia đình tôi cũng thiếu đói. Chỉ biết phát nương để trồng ngô, trồng lúa, nhưng đất xấu lại hay bị chuột cắn phá nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu”. Ông Lỳ Khò Chờ, Trưởng bản Tả Ló San khẳng định: “Nếu có nước tưới tiêu thì dân bản sẽ thực hiện chủ trương khai hoang, trồng lúa nước một vụ. Mặc dù chưa trồng lúa nước bao giờ nhưng Nhà nước đã tạo điều kiện nhiều như thế này, chúng tôi sẽ cố gắng để học hỏi, tiến tới tự túc được lương thực”.


Hy vọng, sau công trình xây đập thủy lợi, đồng bào ở Tả Ló San sẽ tiếp tục được đầu tư về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con.


Bài và ảnh: Minh Đức

Củng cố hệ thống kênh mương thủy lợi
Củng cố hệ thống kênh mương thủy lợi

Hiện nay, tỉnh Lai Châu có trên 1.600 km kênh mương, thủy lợi trong đó được kiên cố khoảng trên 1.100 km, số còn lại là kênh đắp bằng đất. Hệ thống các công trình thủy lợi nằm rải rác, tỷ lệ các kênh đất còn lớn cùng với thời tiết hanh khô kéo dài làm cho hồ dự trữ nước tưới tiêu ít...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN