Vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ dân tộc rất ít người -Bài cuối: Linh hoạt khi triển khai chính sách

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án “Phát triển kinh tế vùng các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao và La Hủ” giai đoạn 2011 - 2020 là 1.042 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2013, các tỉnh thụ hưởng mới được phân bổ hơn 73 tỷ đồng, trong khi có quá nhiều hạng mục phải đầu tư, hỗ trợ.


Một vốn, bốn công trình


Năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: Đường giao thông Pa Thơm - Huổi Moi; đường giao thông Lả Chà - Pa Tần và cầu treo bản Lả Chà. Nhưng năm 2013, tỉnh mới được cấp 10,120 tỷ đồng để thực hiện. Do vốn quá mỏng nên việc xây dựng 3 công trình hạ tầng đều dang dở.

Trẻ em dân tộc Mảng đã có trường lớp học hành nhưng vẫn cần hỗ trợ nhiều về cơ sở vật chất.


Theo ông Tạ Đức Huỳnh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, do không được bố trí đủ vốn nên các dự án hạ tầng vào vùng đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh triển khai rất chậm. Tuyến đường từ Pa Thơm vào bản biên giới Huổi Moi có chiều dài 11,3 km, dự toán kinh phí 14,175 tỷ đồng, vượt mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, nên phải chia làm 2 giai đoạn. Hai dự án hạ tầng còn lại cũng phải “cắt khúc” vì thiếu vốn.


Không chỉ Điện Biên, mà ở Lai Châu, Hà Giang, nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Mảng, Cống, La Hủ, Cờ Lao đều rất hạn hẹp. Theo kế hoạch, năm 2013, huyện Mường Tè triển khai xây dựng 7 công trình đường giao thông và 1 dự án tu sửa nâng cấp thủy lợi bản Phìn Khò (xã Bum Tở), tổng nguồn vốn để thực hiện 8 công trình này là 46,497 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện cũng chỉ mới được phân bổ 20,280 tỷ đồng, cho nên mỗi công trình đều được “tạm ứng” một ít vốn để triển khai thực hiện.


Có cơ chế lồng ghép, nhưng vẫn khó


Có một thực tế là một công trình thường phải lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình chính sách khác mới có thể hoàn thành. Ví như năm 2012, huyện Mường Tè được cấp 450 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội cho bốn dân tộc rất ít người cho xã Hum Bua để tu sửa, nâng cấp công trình nước sinh hoạt bản Pa Cheo. Nhưng nếu chỉ bằng ấy tiền thì công trình nước sạch ở đây không thể thực hiện được. Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, huyện Mường Tè đã lồng ghép các nguồn vốn khác như: 135, 30a… để thi công dứt điểm công trình thủy lợi giúp đồng bào giải quyết vấn đề thiếu nước cho hàng chục ha lúa. Đây là bản 100% dân số là dân tộc Mảng, với 48 hộ, 244 khẩu. Không chỉ riêng công trình nước sinh hoạt ở bản Pa Cheo mà một số công trình nước sinh hoạt bản Tắc Ngá (xã Mường Mô), công trình nước sinh hoạt bản Chà Di (xã Bum Tở) ở huyện Mường Tè cũng có nhiều nguồn vốn “tiếp sức” như vậy.

Ngôi nhà của đồng bào La Hủ vẫn phải che gió mưa bằng vải bạt.


Tuy nhiên, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Trước đây chưa có cơ chế lồng ghép vốn nên rất khó thực hiện. Nếu địa phương lồng ghép khi thanh quyết toán sẽ rất khó khăn. Mặc dù hiện nay đã có cơ chế lồng ghép nhưng do mỗi nguồn vốn có cơ chế giải ngân khác nhau nên vẫn rất khó lồng vốn vào để tập trung xây dựng hạ tầng”.


Ngày 12/2/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số: 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo. Theo thông tư này, vốn của các chương trình, dự án, chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi và hỗ trợ khác trên địa bàn các huyện nghèo sẽ có cơ chế linh hoạt hơn để lồng ghép. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 28/3/2014, tạo điều kiện để gỡ khó cho các địa phương.


Quy định đã thông thoáng, nhưng thực tế triển khai vẫn rất cần sự linh hoạt, sâu sát của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Có như vậy các mục tiêu của đề án mới sớm được hoàn thành.

 

Tình trạng “một vốn, bốn công trình” là chuyện không lạ trong các chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, các địa phương lại không tập trung đầu tư vào những công trình hạ tầng trọng điểm, thiết yếu theo kiểu mỗi năm hoàn thành 1 hoặc 2 công trình, mà lại dàn trải nguồn vốn ra quá nhiều công trình, dự án. Theo kế hoạch phân bổ vốn, năm 2014, tỉnh Điện Biên tiếp tục được cấp 10,120 tỷ đồng, nếu cứ tiếp tục đầu tư dàn trải, bài ca công trình dang dở vẫn sẽ tiếp tục.


Bài và ảnh: Nhóm PV

Vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ dân tộc rất ít người - Bài 2: Hỗ trợ cái chưa cần
Vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ dân tộc rất ít người - Bài 2: Hỗ trợ cái chưa cần

Trưởng bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên, Lò Văn Thắng cho biết: “Đầu năm 2014, gia đình tôi và 51 hộ dân tộc Cống khác ở bản được hỗ trợ mỗi nhà 1 cái radio, nhưng chẳng mấy khi dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN