Vui Tết cùng người Sán Dìu ở Tam Đảo

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, vượt qua những con đường dốc, về Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, mùa xuân trải dài trên dãy núi Tam Đảo, trên những bản làng của người Sán Dìu. Tết cổ truyền của người Sán Dìu nay đã khác xưa nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã được cải thiện, cái đói cái nghèo không còn là nỗi lo.

Tam Đảo là huyện miền núi có 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, nhiều nhất là dân tộc Sán Dìu. Con đường dốc đưa chúng tôi dừng chân ở thôn Đạo Trù Thượng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, nơi 100% số dân sinh sống đều là người dân tộc Sán Dìu. Những ngày này, có thể cảm nhận không khí Tết đã lan tỏa trên khắp các ngôi nhà của người Sán Dìu.

Sau một năm bôn ba làm ăn vất vả, 8 người con của gia đình bà Bàng Thị Man lại quây quần dưới một mái nhà, tấp nập cùng chuẩn bị đón năm mới. Bà Man chia sẻ: Sắp đến Tết, con cháu cùng nhau vui vẻ, sum vầy chuẩn bị cho cái tết no đủ hơn. Hiện đời sống của người Sán Dìu nơi đây đã có nhiều thay đổi, một số phong tục đã bị lãng quên nhưng bà con vẫn giữ được những nét truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Đôi tay cẩn thận chọn từng chiếc lá dong, bà Man vừa kể chuyện: Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết cả vì là trong năm còn có nhiều cái Tết khác như Tết Thanh Minh (tháng 3), Tết Rằm (tháng 7)… Khác với người Kinh, vào ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng. Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, người Sán Dìu gọi là bánh chưng gù.

Các thiếu nữ Sán Dìu.


Để đón năm mới, từ chiều 30 Tết, theo thường lệ, người chủ gia đình người Sán Dìu mang những tờ giấy đỏ mua ở chợ về cắt nhỏ rồi đem dán lên các gốc cây, ở các nơi như cổng, cửa, bàn thờ tổ tiên, các cột cái trong nhà hay các dụng cụ lao động… Làm như vậy vì người Sán Dìu tin rằng, màu đỏ thể hiện sự may mắn, tốt đẹp và xua đuổi tà ma.

Giao thừa đến, mỗi gia đình người Sán Dìu đều làm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Mâm cơm cúng của người Sán Dìu rất đơn giản, chỉ có con gà hoặc một miếng thịt lợn luộc, một chai rượu trắng và không thể thiếu được 2 món là bánh con và chè. Bánh con được làm từ bột gạo nếp, vê tròn như hình viên bi, sau đó cho vào nồi nước sôi đến khi bánh chín nổi trên mặt nước. Món chè được làm từ gạo nếp, đỗ và mật đường. Các món ăn được dùng cúng tổ tiên vào năm mới với mong muốn tổ tiên ban hưởng cho những điều tốt lành, bình an trong năm mới.

Vào sáng mồng 1 Tết, người Sán Dìu ăn chay. Đây là một tập quán khá đặc biệt của người Sán Dìu. Ăn chay xong, con cháu mừng tuổi cho bố mẹ, người già mừng tuổi cho trẻ nhỏ những đồng tiền lẻ cùng những lời chúc tốt lành. Đàn ông thì được vào nhà bạn bè và người thân trong làng, trong bản để chúc Tết. Đàn bà con gái cũng được ra đường nhưng không được vào nhà ai nên các bà, các chị thường ở nhà dọn dẹp và đón khách đến nhà mình chúc Tết.

Sáng sớm tinh mơ mồng 3 Tết, người trong gia đình Sán dìu dậy sớm, cầm chổi quét nhà để đuổi ma xó, vừa quét, miệng vừa nói: “Các ma xó ở đâu thì ra, muốn ăn thịt gà, trâu thì ra đường, ra chợ, nhà tôi không còn nữa”. Sau khi đuổi ma ra khỏi nhà, các tờ giấy đỏ cũng được bóc ra.

Trong ngày Tết của người Sán Dìu ở Đạo Trù Thượng còn có tục giữ lửa. Ông Diệp Minh Thanh, Trưởng thôn kể lại: "Vào đêm giao thừa, người con dâu trong gia đình phải chuẩn bị một cây củi thật to mang vào bếp. Củi này sẽ được đun và giữ than hồng kéo dài qua giao thừa đến sớm mồng 1 Tết. Tục lệ này thể hiện ước muốn của người Sán Dìu là giữ lửa đỏ, cầu mong mọi điều may mắn và hạnh phúc nối tiếp từ năm này sang năm khác".

Một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu ở Đạo Trù Thượng đó là hát Soọng cô. Trong những bộ váy áo mới, những chàng trai, cô gái Sán Dìu lại tình tứ trao nhau những câu hát Soọng cô. Từng làn điệu Soọng cô khi cất lên đều mang theo hơi thở của mùa xuân, của tình yêu thương con người, tình yêu cuộc sống và phảng phất âm hưởng núi rừng. Trong màn hát đối đáp Soọng cô, nam nữ phải cách xa nhau 2 mét và không được ngồi, đứng gần nhau. Khi hát, bên nào thua phải xin hát đối lại trong lần hát đối sau. Chính điều này đã làm nên nét đẹp, sự trong sáng trong văn hóa hát Soọng cô của người Sán Dìu.

Ông Lâm Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết:"Đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Đạo Trù những năm qua đã có nhiều đổi mới, chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, kết hợp trồng đan xen một số giống cây trồng khác như: cà chua, ớt, đỗ tương, dưa hấu… đồng thời tích cực đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã đã khuyến khích người nông dân đưa những vật nuôi có chất lượng được người tiêu dùng ưa thích như: gà đồi, lợn rừng, dê núi và cua thương phẩm vào sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế hộ cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, phong trào giúp nhau làm kinh tế, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo".

Chia tay bà con Sán Dìu khi màn chiều đã buông, những đám mây và sương mờ từ xa kéo về dần phủ kín đỉnh Tam Đảo. Đâu đó, những câu hát Soọng cô còn vang lên xen lẫn niềm vui ấm no và hạnh phúc xum vầy. Tết đã về trên bản làng người Sán Dìu, Tam Đảo.


Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)
Gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu
Gìn giữ văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu

Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được thành lập từ năm 2009. Ban đầu CLB chỉ có 35 thành viên, đến nay đã có gần 100 người tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN