Văn hóa cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng, Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên như Êđê, Ba na, Xơ đăng, Gia rai, M’nông, Cơ ho… Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của các tộc người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Giá trị văn hóa truyền thống


Các nhà nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên cho rằng, văn hóa cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hóa trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Cồng chiêng được các tộc người ở Tây Nguyên quan niệm như là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Những bộ cồng chiêng của mỗi gia đình xưa kia còn biểu hiện cho sự giàu có của người dân Tây Nguyên.

Biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Êđê buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).
Ảnh: Viết Tôn


Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha bạc hoặc đồng đen. Các nhà nghiên cứu cho biết, cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ, mỗi bộ có số lượng khác nhau, đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hòa tấu. Nhạc cụ cồng chiêng có nhiều kích cỡ, đa phần có đường kính từ 20 cm đến 50 cm - 60 cm, có khi loại cực đại lên đến 90 cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 12, hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi sử dụng lên đến 18 - 20 chiếc. Trong một bộ chiêng, chiếc chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.

Từ năm 2007, tỉnh Đắk Lắk đã có đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng” lưu giữ được trên 2.307 dàn cồng chiêng, có gần 400 nghệ nhân chỉnh chiêng và 635 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng. Cũng từ đó đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hàng ngàn lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Giáo sư Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Tổng Thư ký hội văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, cồng chiêng Tây Nguyên đã tạo ra âm thanh riêng. Cụ thể, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hòa tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có tộc người còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái… Mỗi bài chiêng có rất nhiều bè, trong đó, mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, chiêng có bao nhiêu chiếc thì có bấy nhiêu người đánh. Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng nhớ rất rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau rất hài hòa, tài tình.

Cách phối hợp âm thanh giữa những chiếc cồng chiêng để làm thành thang âm điệu là rất đặc biệt. Người Tây Nguyên có nhiều phong cách chơi cồng chiêng khá phong phú, bài bản. Người Ba Na, Gia Rai thì đánh cồng chiêng theo phong cách chủ điệu (một bè trầm đánh trên là một vài giai điệu), người Êđê thì đánh theo cách thức từng chùm hợp âm, nối tiếp… Ngoài ra, còn có phong cách sử dụng chiêng của từng tộc người như người Chăm, Chu Ru thường chỉ có 5 - 6 chiêng, số lượng ít hơn so với bộ chiêng của người Êđê, M’Nông, Gia Rai…

Đồng bào Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng mà thường kết hợp với nhau, trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về cội nguồn.

Văn hóa tâm linh


Giá trị cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Khi âm thanh của cồng chiêng vang lên, đồng bào quan niệm có thể giúp con người thông tin trực tiếp đến các đấng thần linh, là chiếc cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, con người đã nghe tiếng chiêng chào đón, khi lớn lên dựng vợ, gả chồng tiếng chiêng lại rộn ràng trong ngày vui hạnh phúc và khi vĩnh biệt cõi đời về với tổ tiên thì cũng có tiếng cồng chiêng tiễn đưa. Cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên không được sử dụng bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình, buôn làng, trong những dịp tiếp khách quý.

Cồng chiêng mang lại sự thiêng liêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm nương rẫy, không gian lễ hội… của cả vùng Tây Nguyên. Không chỉ có vậy, cồng chiêng còn đem đến đời sống của các tộc người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người…

Có thể khẳng định văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở đỉnh cao của các tộc người ở Tây Nguyên. Và vì thế, nó xứng đáng được UNESCO vinh danh là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang ra sức sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngoài hàng trăm đội cồng chiêng của các Ama, Amí (người lớn tuổi bậc cha, mẹ, ông, bà) còn có 300 đội cồng chiêng trẻ tuổi từ 12 - 18, với trên 2.100 em tham gia. Hàng năm Đắk Lắk đều tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…


Huy Quang
Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài
Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài

Kiến trúc nhà ở - đó chính là những đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên - hiện đứng trước nguy cơ mai một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN