Trưởng làng Stiêng với công tác bầu cử

Về thăm xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai những ngày này, đâu đâu cũng rộn ràng không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sắp đến. Sóc Ba Buông, một làng dân tộc Stiêng cũng đang tất bật chuẩn bị cho ngày “toàn dân đi bầu cử”.

Nằm cách trung tâm xã khoảng 10 km, sóc Ba Buông hiện có khoảng 54 hộ dân với 176 nhân khẩu, đều là người dân tộc Stiêng. Khi chúng tôi đến sóc đã được chứng kiến cảnh bà con trong sóc đang ngồi quây quần bên một người đàn ông và chăm chú lắng nghe phổ biến những cách thức khi bỏ lá phiếu tham gia bầu cử. Chúng tôi được giới thiệu, người đang nói chuyện với bà con là Điểu Phê - Trưởng làng dân tộc sóc Ba Buông. Trưởng làng Điểu Phê khác rất nhiều so với mường tượng ban đầu của chúng tôi. Không phải là một cụ già râu dài tóc bạc, không đóng khố theo trang phục truyền thống của người Stiêng, mà giản dị trong chiếc áo sơ mi ngả màu cùng nước da đen bóng và nụ cười rất tươi, trông ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 61 của mình.

Đồng bào người Chăm xem danh sách tại điểm niêm yết danh sách cử tri ở tại phường 13, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Ông Nguyễn Đức Thuận – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Ông Điểu Phê trước kia từng tham gia cách mạng và hiện tại có nhiều đóng góp cho địa phương, đặc biệt là việc triển khai những văn bản, chính sách mới của địa phương đến gần hơn với đồng bào dân tộc. Có Trưởng làng Điểu Phê thì chuyện gì khó truyền đạt đến dân cũng đều êm xuôi cả. Đặc biệt là công tác bầu cử HĐND các cấp sắp tới, nhờ có sự tham gia tích cực của Điểu Phê mà việc tuyên truyền đến đồng bào dân tộc gặp rất nhiều thuận lợi”.

Nói về trưởng làng Điểu Phê, cô Điểu Thị Phơ - người dân sinh sống trong sóc Ba Buông tự hào kể: “Trưởng làng Điểu Phê nhanh nhẹn lắm và rất thương bà con chúng tôi. Trưởng làng nói thì dân trong sóc nghe liền bởi chúng tôi biết trưởng làng rất lo cho bà con. Nhờ Trưởng làng mà chúng tôi biết nên trồng cây gì, bón phân gì cho cây mau lớn… nhờ đó mà dần dần thoát khỏi cái đói cái nghèo”. Cô Phơ còn cho biết, mấy ngày này nhà trưởng làng hôm nào cũng rộn rã, bởi bà con thường đến để đọc thông tin về bầu cử và danh sách ứng cử viên được niêm yết tại đây. Nếu thông tin nào chưa rõ, Trưởng làng sẽ trực tiếp giải đáp cho bà con để không bị sai sót khi đi bầu cử.

Không chỉ có công tác bầu cử, Trưởng làng Điểu Phê còn tích cực tham gia những hoạt động có ích cho bà con, việc gì ông cũng hết lòng cống hiến.

Đôi mắt hơi nhíu lại, nhìn xa xăm, Trưởng làng Điểu Phê kể lại những ngày đầu về sóc Ba Buông này. Khoảng những năm 1992 – 1994, gia đình ông về sinh sống ở huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). “Đất đai khô cằn, hồi đó bà con đâu biết trồng trọt, chăn nuôi như bây giờ, thức ăn ngày càng khó kiếm nên những nơi nào nguồn sống trù phú thì sự sống con người sẽ sinh sôi”. Mới đó mà gần 20 năm rồi, năm 1995, gia đình ông Điểu Phê cùng một số hộ dân di chuyển từ Bình Phước xuống vùng đất Xuân Lộc lập nghiệp rồi xây nhà, chia đất bắt đầu trồng cây theo chương trình 327 “phủ xanh đất trống, đồi trọc của Chính phủ”, để rồi hình thành tại đây một ngôi làng mang tên Ba Buông. Hai năm sau đó, hơn 40 ha rừng xanh đã hình thành từ bàn tay của những người dân Ba Buông, chấm dứt tình trạng du canh du cư và bắt đầu làm kinh tế nương rẫy với kỹ thuật canh tác ban đầu còn đơn giản, lạc hậu. Ông Điểu Phê được người dân trong sóc tin tưởng, yêu quý bầu làm Trưởng làng. Từ đó đến nay, hàng ngày Trưởng làng Điểu Phê đi đi về về giữa UBND xã và sóc Ba Buông, nghe ngóng xem trên xã có những nội dung gì cần truyền đạt cho bà con trong sóc để bà con hiểu. Đặc biệt là công tác bầu cử sắp đến, phải giảng giải cho bà con hiểu rõ để bỏ phiếu cho đúng, nhiều bà con trong sóc không rành tiếng Việt, ông phải dùng tiếng đồng bào thì bà con mới hiểu.

Trưởng làng Điểu Phê tham gia cách mạng tại Bình Phước khi vừa 20 tuổi, kháng chiến chống Mỹ ông chiến đấu ở địa bàn Long Khánh, rồi mật khu Rừng Lá (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc). Là thương binh hạng 2/4, năm 1998 Trưởng làng Điểu Phê được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Tuy đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn nhiệt tình cống hiến cho địa phương, cho buôn sóc. “Còn sức thì mình còn lao động, còn cống hiến”, Trưởng làng Điểu Phê luôn tâm niệm như thế.

Việt Âu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN