Tôn vinh nhiều giá trị đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 21/9 tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước” sẽ diễn ra từ ngày 29-30/9 tại tỉnh Tuyên Quang.

Ngày hội có sự tham dự của đồng bào dân tộc Dao đến từ 12 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc Dao. Bên cạnh đó là các hoạt động: Trưng bày, triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”; giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; hoạt động thể thao truyền thống dân tộc Dao; hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao”… và các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch.

Lễ cấp sắc của người Dao xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần đầu tiên này, Ban tổ chức ít huy động diễn viên chuyên nghiệp mà mời nhiều nghệ nhân từ các bản làng của người Dao để trình diễn những giá trị đặc sắc nhất của dân tộc Dao, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống, văn hóa của đồng bào chứ không phải là hình thức sân khấu khóa. Chủ nhà Tuyên Quang sẽ giới thiệu đến công chúng 3 giá trị đặc sắc nhất của đồng  bào dân tộc Dao tại Tuyên Quang là: Lễ cấp sắc của nhóm Dao đỏ, Dao quần trắng và Dao tiền; đám cưới của người Dao và trình diễn các trang phục của các nhóm dân tộc Dao ở Tuyên Quang…

Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang cũng chuẩn bị lực lượng gồm hơn 200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Dao tiêu biểu tham gia Ngày hội. Một số tiết mục đặc sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang đã được chọn tham dự như: “Tết nhảy” của người Dao quần chẹt xã Hợp Hòa (Sơn Dương); hòa tấu nhạc cụ trống của người Dao đỏ xã Sơn Phú (Na Hang); múa màng của người Dao tiền xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); nghi lễ mừng thọ của người Dao đỏ xã Tân Thành (Hàm Yên)…

Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.

Lễ hội thành Tuyên  năm 2017 - một lễ hội độc đáo mang dấu ấn riêng có của Tuyên Quang sẽ diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 4/10. Đặc biệt “Đêm hội Thành Tuyên” sẽ diễn ra đúng ngày 30/9 với 70 xe mô hình đèn Trung thu đẹp nhất được chọn lọc từ hàng trăm xe mô hình năm nay. Được biết, tối 22/9, lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang mang theo 2 xe mô hình trung thu đi quanh Hồ Hoàn Kiếm để nhân dân Thủ đô cùng chiêm ngưỡng.

Tối 4/10, trong khuôn khổ Lễ hội thành Tuyên sẽ diễn ra hoạt động trình diễn, giới thiệu trang phục cùng một số giá đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phần trình diễn này do các nghệ nhân được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận thực hiện. 

Thanh Giang (TTXVN)
Lưu giữ hát ví của dân tộc Dao
Lưu giữ hát ví của dân tộc Dao

Tại xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức lớp truyền dạy hát ví văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao cho các nghệ nhân, già làng, người cao tuổi là người dân tộc Dao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN