Thoát nghèo nhờ nuôi lợn rừng

Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, muốn đến được Ba Chẽ chỉ có duy nhất một con đường nhỏ, hẹp để đi vào huyện.


Người dân trong huyện chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Trước những khó khăn ấy, anh Nguyễn Huy Túc ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ quyết tâm tìm hướng đi để thoát nghèo ngay trên vùng đất khó.

Sau nhiều ngày tháng tìm hiểu các mô hình chăn nuôi ở một số địa phương và tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh và gia đình đã quyết định chọn nuôi lợn rừng làm chìa khóa để thoát nghèo. Năm 2008, anh Túc mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và mua 3 con lợn rừng giống ở Trại giống huyện Ba Vì về nuôi. Những ngày đầu, anh cùng gia đình luôn thường trực bên khu đất đồi được quây lại để nuôi lợn rừng. Không chỉ tỉ mỉ quan sát, ghi chép từng đặc tính sinh trưởng của 3 chú lợn đầu tiên, anh Túc còn tích cực mua sách báo, tìm tài liệu hướng dẫn về cách chăn nuôi lợn rừng.

Qua nhiều ngày tự tìm hiểu cách thức nuôi lợn rừng, anh Túc nhận thấy lợn rừng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Ba Chẽ. Anh cho biết: “Lợn rừng chỉ ăn thực phẩm sạch như rau, củ, quả, cỏ, sắn, ngọn mía..., lại khỏe mạnh, rất ít dịch bệnh nên rất dễ nuôi”. Theo anh Túc, điều kiện tự nhiên ở Ba Chẽ rất phù hợp để chăn nuôi lợn rừng do sẵn có đất đồi rộng, thức ăn cho lợn rừng lại dễ kiếm và giá rất rẻ.

Chăm sóc đàn lợn rừng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Một con lợn mỗi ngày ăn hết lượng thức ăn khoảng 30.000 đồng; nếu chịu khó trồng cỏ, sắn cho chúng ăn thì lượng tiền bỏ ra mua thức ăn cho lợn mỗi ngày còn ít hơn. Chỉ sau bốn tháng nuôi, mỗi con lợn sẽ đạt trọng lượng khoảng 15 kg và có thể xuất bán. Giá trị thương phẩm của lợn hiện nay trên thị trường là khoảng trên 200.000 đồng/kg. Giá mỗi kg thịt lợn rừng giống khoảng 320.000 đồng/kg. Mỗi năm, một con lợn rừng đẻ hai lứa, mỗi lứa đẻ 5 - 6 con lợn con.

Việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng cũng hết sức đơn giản. Chỉ cần xây một khu chuồng như để nuôi lợn nhà và dùng hàng rào sắt B40 quây một khu vực đất trống xung quanh chuồng để lợn rừng hoạt động là đủ. Với diện tích nuôi và thức ăn như thế, bất cứ người dân nào ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng có thể đầu tư nuôi lợn rừng.

Từ 3 con lợn giống ban đầu, đến nay, đàn lợn rừng nhà anh Túc đã có 21 con. Gia đình anh cũng đã xuất được 2 lứa, ngay lứa đầu anh đã trả được toàn bộ nợ cho ngân hàng và lứa thứ hai anh lại thu được trên 40 triệu đồng. Anh tiết lộ: Muốn thịt lợn rừng ngon và chắc thì chỉ cho lợn ăn chất xơ và chất thô.

Hiện nay, thịt lợn rừng đang được ưa chuộng trên thị trường, chỉ với một số vốn ít bỏ ra ban đầu, lợn rừng sẽ là loại đặc sản hợp pháp, mở ra hướng thoát nghèo cho nhiều người dân đang sinh sống tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay ở Ba Chẽ người dân vẫn chưa thực sự mạnh dạn đầu tư vào hướng chăn nuôi này, chỉ có một số ít hộ gia đình nuôi lợn rừng với quy mô nhỏ, số lượng 2-3 con/hộ.

Để khai thác và phát huy có hiệu quả hướng thoát nghèo, chính quyền và các cơ quan chức năng cần khuyến khích và tạo điều kiện về đầu mối tiêu thụ sản phẩm để các hộ dân tham gia; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà và đặc biệt là các ngành chức năng cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống... cho người nông dân; tạo điều kiện cho người dân vay vốn thì mới có thể biến lợn rừng thành con vật nuôi xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng đất này.

Mạnh Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN