Thắp sáng ước mơ tới trường ở rẻo cao Đồng Nghê - Hòa Bình

Rời thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình) từ sáng sớm, nhưng tới gần trưa chúng tôi mới đến được xã vùng cao Đồng Nghê của huyện Đà Bắc. Xe ô tô chạy trên con đường dài gần tám chục cây số toàn đèo cao, dốc dựng, nhiều đoạn men theo bờ sông Đà chênh vênh, nguy hiểm...


Vườn rau xanh tự túc của nhà trường.

 

Vào thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú dân nuôi xã Đồng Nghê, ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với học sinh nơi đây là các em rất ngoan, lễ phép, nhưng rụt rè trong giao tiếp. Tiếng trống tan trường vừa dứt, các em học sinh ùa về khu nhà ở nội trú cất sách vở, rồi lo nấu bữa ăn trưa. Học sinh lớp sáu còn nhỏ thó, ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch, nhưng em nào cũng chủ động công việc bếp núc. Hai, ba em nấu chung một nồi cơm, em hái rau, em chẻ củi, em thì nhóm lửa; một loáng đã xong bữa ăn. Bởi bữa ăn của các em rất đơn sơ: Cơm, canh rau và món cá khô, hoặc tôm rang. Em Lý Văn Sang, dân tộc Dao ở xóm Lài cho biết: "Cuối tuần cháu đi bộ về nhà mất hai tiếng (9 km), bố mẹ cho gạo, muối ăn và 20.000 đồng để mua thức ăn cho cả tuần”.


Với học sinh thành phố, 20.000 đồng chỉ đủ một bữa ăn sáng. Vậy mà đây là số tiền ăn cả một tuần của học sinh vùng cao. Giải đáp thắc mắc này của tôi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết: Nhà trường mới được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2012- 2013, nên chính sách của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú bằng 40% mức lương tối thiểu vẫn chưa được thực hiện ở Đồng Nghê. Hiện nay, khi chưa có chế độ nhà nước, hàng ngày các em tự nấu ăn, thức ăn chủ yếu của các em là rau cải, quả đu đủ, bí ngô hoặc khá lắm là cá khô hay canh mỳ tôm; nếu tính cả tiền gạo thì chỉ khoảng 12.000 - 13.000/2 bữa. Thường thì cuối tuần các em mới về nhà, được gia đình cho gạo, rau và tiền khoảng 20.000 - 30.000 đồng để chi tiêu, nhưng các em chủ yếu là để tiền ăn quà, chứ ít khi chịu mua thêm thức ăn. Chính bởi vậy mà thầy cô giáo nhà trường cùng các em tích cực trồng rau xanh; rồi thầy cô góp tiền mua lạc, cá khô chia cho các em. Sắp tới các thầy cô sẽ đóng góp 20.000 đồng/tháng để mua thịt lợn cải thiện dinh dưỡng cho các em.


Tuy đời sống của học trò Đồng Nghê còn kham khổ, nhưng ước mơ cắp sách tới trường của các em thật đáng khâm phục, trân trọng. Nhà trường có 4 lớp 6, 7, 8, 9 với 108 học sinh dân tộc Mường, Dao, Tày; trong đó có 71 học sinh ở bán trú và duy trì đủ sĩ số từ đầu năm học tới nay, chưa em nào bỏ học. Tập thể 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng hết lòng chăm lo giáo dục, chăm sóc các em. Ngoài việc bảo đảm chương trình giảng dạy của ngành, các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú dân nuôi xã Đồng Nghê luôn gần gũi, quản lý học sinh ăn ở nội trú sạch sẽ, phụ đạo buổi tối cho những em có học lực yếu vươn lên cùng bè bạn.

 

Bài và ảnh: Nhan Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN