Thắm tình đoàn kết ở ngôi làng có 8 dân tộc anh em

Làng Đăk Đem, xã Đăk Wang, huyện Đăk Hà (Kon Tum) có lẽ là địa phương khá đặc biệt so với các địa phương khác trên địa bàn khu vực Tây Nguyên khi mà nơi đây có tới 8 dân tộc cùng sinh sống suốt hàng chục năm qua. Họ vẫn cùng nhau xây dựng kinh tế, sinh hoạt trong cuộc sống đời thường. Dẫu vậy, ở họ vẫn không mất đi bản sắc văn hoá riêng biệt của dân tộc mình.

Chúng tôi về làng Đăk Đem đúng vào dịp nhà anh A Tham (32 tuổi), người dân tộc Xơ Đrá đang tổ chức liên hoan mừng công cùng mấy anh em hàng xóm vì đã giúp A Tham thu hái cà phê. Mọi người quây quần bên nhau cùng hát ca, uống rượu cần. Thật bất ngờ khi A Tham giới thiệu: Ở đây hiện có 5 dân tộc anh em, họ là những người trong làng đang cùng gia đình tôi uống ché rượu cần. Anh Tham cho biết thêm: “Cứ đến ngày lễ, tết, ma chay hay có việc trong làng, mọi người cùng sinh hoạt chung, mời nhau ché rượu cần, bánh chưng, bánh dày, mời nhau những đặc sản của quê hương mình”.

Tại làng Đăk Đem, mọi người thường đổi công cho nhau trong những lúc nông nhàn. Nhà nào có việc thì mọi người đều giúp, không phân biệt người dân tộc này hay dân tộc kia; lúc nào nhà mình có việc thì người khác cũng giúp lại. Cụ thể như nhà bà Thẩm Thị Niềm, năm nay đã gần 70 tuổi, chồng mất sớm, nhà bà có 1 đứa con gái bị thiểu năng trí tuệ; dù chỉ 2 mẹ con sinh sống nhưng người dân trong làng không ai bảo ai đều đến giúp bà trong những lúc khó khăn như: thu hái ca phê, cho vay mượn trong những lúc khó khăn... Không chỉ bà Niềm, gia đình anh A Tham, A Điệp, A Đắc, Hoàng Minh Thư… người dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Nùng… cũng được bà con giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế. Nhờ đó các hộ này đã trở thành hộ có kinh tế khá với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo trưởng thôn Nông Văn Ngay, trong làng, chỉ có người dân tộc bản địa là người Xơ Đrá, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng học theo cách làm ăn của các hộ dân tộc khác, giờ đây họ cũng trồng cao su, cũng khai phá đất hoang làm nương rẫy ca phê. Hiện nay trong làng 50% người dân tộc bản địa đã có cà phê với từ 1 - 2 ha cà phê/hộ; họ đã biết cách trồng và chăm sóc cà phê. Số hộ còn lại cũng đang tích cực chuyển đổi cây mì sang trồng cà phê để có thu nhập ổn định như các hộ khác ở trong làng.

Chị Hoàng Thị Tuyết (người dân tộc Nùng, quê ở tỉnh Cao Bằng), một trong những người đầu tiên về đây sinh sống, tâm sự: ngày đầu chúng tôi tới làng khi ấy nơi đây cái gì cũng khó khăn, từ thức ăn, phương tiện đi lại, điện nước... đều khan hiếm. Hơn nữa, mình là người dân tộc ở ngoài Bắc vô đây, không biết dân làng ở đây có khó khăn với mình không nhưng rất may là mọi người ở đây ai cũng hoà đồng, chúng tôi bắt quen với nhau nhanh lắm. Do vậy gia đình tôi quyết định ở lại đây lập nghiệp.

Làng Đăk Đem có 597 nhân khẩu với 127 hộ. Làng có 8 dân tộc sinh sống quần tụ, gồm: Xơ Đrá (Xê Đăng) với 60 hộ, Tày (9 hộ), Nùng (23 hộ), dân tộc Kinh có 24 hộ, còn lại là các hộ dân tộc Ba Na, Cao Lan, Mường, Thái. Ngoài dân tộc bản địa, hầu hết các hộ đều đến đây sinh sống từ năm 1992. Hiện cả làng có trên 180 ha đất sản xuất; trong đó có 24 ha lúa, 50 ha mì, 70 ha ca phê…

Trong làng Đăk Đem, có 8 dân tộc với 8 nền văn hóa khác nhau, 8 thứ tiếng khác nhau nhưng ở họ luôn có niềm vui chung, tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau thông qua tình làng, nghĩa xóm như truyền thống bao đời nay của cha ông ta./.

Sỹ Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN