Tết Giã rạ của đồng bào Cor ở Quảng Ngãi

Đồng bào dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi, sống chủ yếu ở các huyện Tây Trà, Trà Bồng, với nghề chính là trồng quế và lúa rẫy. Hằng năm, đồng bào Cor tổ chức Tết Giã rạ từ tháng 10 - 11 Âm lịch.

Tết Giã rạ được tổ chức giống như Tết cổ truyền của người Kinh. Nếu lễ ăn cơm mới là bắt đầu cho việc thu hoạch, thì Tết Giã rạ nhằm tổng kết một mùa lúa rẫy. Sau khi lúa đã lên chòi là lúc đồng bào Cor tổ chức ăn Tết Giã rạ. Đây là dịp để mọi người trong làng tạ ơn thần linh đã phù hộ cho họ nhiều lúa và cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả.

Tết Giã rạ, nét văn hóa của đồng bào Cor được lưu giữ đến ngày nay.


Ngày cận Tết, chủ nhà lấy lúa trên rẫy gói vào lá chuối rừng, một ít đặt ở chòi và một ít mang về nhà, gọi là rước hồn lúa. Chủ nhà xoa lúa trên tay, đặt hạt lúa trên đầu từng người trong gia đình để cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Trước ngày Tết, phụ nữ trong làng tụ họp gói bánh lá đót với lúa nếp để cúng ông bà và các thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng… Tết Giã rạ của người Cor diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, ông chủ nhà đứng vái gọi hồn các vị thần và ông bà về dự lễ. Lễ vật được bày biện ở mâm trên các miếng lá chuối rừng. Mỗi mâm đều có một hoặc nửa con chuột, bánh lá đót và rượu. Chủ nhà và người con trai cả ngồi trước bàn thờ, thắp nến sáp ong vái cúng. Lời vái cúng lặp đi lặp lại 3 lần “Mô huýt âm ba”, “Mô Rít âm ba”, “Mô Crai âm ba” (Bà huýt cho lúa, bà Rít cho lúa, bà Crai cho lúa). Đọc xong, người cúng lấy ít hạt nếp chín lần lượt bỏ lên đầu từng người trong gia đình, gọi là giữ hồn lúa.

Các già làng thi múa giáo trong ngày Tết Giã rạ.


Đồng bào Cor cho rằng: Các nữ thần cũng bận bịu từ sáng sớm như những người phụ nữ nên phải cúng thật sớm để các nữ thần còn phải lo công việc của mình. Lễ cúng nam thần và ông bà thường diễn ra sau 8 giờ sáng. Sau lễ cúng các nam thần là lễ cúng thần lúa rước hồn lúa từ nhà lên chòi lúa. Người ta thắt sợi chỉ trắng làm chín bậc tượng trưng cho chiếc thang để thần lúa lên chòi giữ lúa. Sau đó chủ nhà quay vào nhà lấy các lễ vật đã cúng cho mọi người ăn và chúc nhau năm mới nhiều may mắn.

Đến ngày hôm sau, các gia đình cúng “ma hàng”. Theo tín ngưỡng của người Cor, ma hàng là ma đã cho phép gia đình làm ăn khá giả để mua sắm được nhiều hàng trong năm như các loại chiêng, ché, nồi, quần áo, lục lạc, cườm… Sau đó là lễ thức cúng ma trầu, ma bò, ma quế, ma heo, họ cầu mong các loài sang năm mới đều sinh sôi nảy nở giúp ích cho con người. Cuối cùng là cúng thần ma hộ mệnh cho ông bà, hộ mệnh gia đình giữ nóc, giữ quê hương núi rừng bình yên. Ngày thứ 3, người ta tiếp tục dùng gà, lợn cúng sống ở nhà xong mang lên rẫy cúng thần rẫy. Cúng xong mọi người hò reo cùng đuổi con ma xấu đi khỏi nương rẫy, rước con ma tốt về để phù hộ cho dân làng mùa rẫy mới cho thêm nhiều lúa.

Bài và ảnh: Đinh Thị Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN