Tây Bắc: Thâm canh ngô theo hướng bền vững

Với điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, Tây Bắc là một trong những vùng sản xuất ngô trọng điểm của nước ta, với gần 300.000 ha, năng suất bình quân đạt 37 tạ/ha. Để phát triển cây ngô theo hướng bền vững đòi hỏi phải có sự liên kết các nhà cũng như sự đầu tư đúng cách.

Liên kết các nhà

Phần lớn diện tích trồng ngô của các tỉnh vùng Tây Bắc tập trung trong vụ xuân, xuân hè và hè thu, được trồng ở nơi có độ dốc cao, không chủ động được nước tưới, phụ thuộc nước trời, ít thâm canh nên năng suất cây ngô đạt thấp, không ổn định, dễ mất mùa khi gặp hạn và mưa lũ. Công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu, gây tổn thất lớn; chưa có sự gắn kết giữa khâu sản xuất và khâu tiêu thụ.

Thu hoạch cây ngô, trồng theo phương pháp gieo dầy, để làm thức ăn cho gia súc ở bản Phiêng Ten, xã Sinh Long, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Ảnh: Trần Tuấn -TTXVN


Để phát triển sản xuất ngô bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Nhà nước cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo các giống ngô lai cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng; ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây ngô; gắn kết giữa cơ sở chế biến với người dân nhằm ổn định giá cả, tránh tình trạng tư thương ép giá, tạo lòng tin cho người dân yên tâm sản xuất ngô.

Để thâm canh ngô theo hướng bền vững, điều cơ bản là quy hoạch phát triển vùng sản xuất ngô tập trung, thực hiện tốt các cơ chế chính sách; mở rộng diện tích ngô vụ xuân trên chân ruộng một vụ, ngô vụ đông trên đất hai vụ lúa; trồng luân, xen canh với các loại cây họ đậu. Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ năng canh tác, quy trình công nghệ, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản; chú trọng sự đồng bộ từ khâu sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đặc biệt, các tỉnh miền núi phía Bắc cần có chính sách cởi mở hơn trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến gắn với bao tiêu sản phẩm giúp nông dân sản xuất bền vững.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Nhu cầu về ngô cho chăn nuôi ngày càng tăng mạnh, do đó dự báo giá của nông sản này vẫn sẽ còn tăng. Tây Bắc là một thủ phủ ngô thuộc hàng quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong bối cảnh nông sản đang lên giá vùn vụt đã khiến cây ngô ở Tây Bắc vài năm gần đây tăng trưởng rất nóng. Ngô được trồng trên cả vùng đất có độ dốc lớn, trên 25 độ. Thêm vào đó nông dân ở đây còn có thói quen sau mỗi vụ thu hoạch, đốt thân ngô ngay trên đồi càng làm cho thảm thực vật bị tiêu hủy, làm cho đất càng rửa trôi, bạc màu nhanh. Sản xuất đã thế, thực trạng bảo quản, chế biến ngô ở Tây Bắc lại càng khó khăn hơn. Ở đây, không có một nhà máy thức ăn chăn nuôi quy mô nào mà chủ yếu ngô được sấy lẻ thủ công rồi vận chuyển về các thị trường dưới đồng bằng.

Do đó, canh tác ngô nương có che phủ bằng xác hữu cơ được các nhà khoa học nhận định sẽ hạn chế được tình trạng xói mòn đất. Vật liệu để che phủ có thể là các loại tàn dư cây trồng của vụ trước hoặc thân lá thực vật hoang dại, các loại phế phẩm nông sản. Biện pháp canh tác ngô nương có che phủ bằng xác hữu cơ không chỉ hạn chế rửa trôi mà tăng độ mùn, giữ ẩm tốt, năng suất cao.

Để chống sự xói mòn đất khi canh tác trên đất dốc, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tiến hành thử nghiệm biện pháp tạo tiểu bậc thang trên đất có độ dốc lớn từ 20 - 25 độ, kết hợp che phủ đất sau đó trồng ngô. Kết quả cho thấy biện pháp canh tác này đã hạn chế xói mòn đất rất lớn. Mỗi năm chỉ 0,53 tấn/ha bị rửa trôi, tức giảm tới 84,5% so với kiểu làm thông thường. Ngoài ra, để giảm sự rửa trôi đất, có thể tiến hành biện pháp xen canh ngô với đậu mèo hoặc cây lạc dại. Để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng với ngô, cây trồng họ đậu nên được gieo sau khi ngô đã được khoảng 50 ngày tuổi. Khi thu hoạch ngô, đậu được giữ lại để che phủ. Gieo tập trung vào một thời vụ để tránh các đợt sâu hại. Luân canh ngô (nếu có điều kiện) với cây trồng khác để tránh tích tụ sâu bệnh. Xen canh ngô với cây họ đậu. Thuốc hóa học chỉ sử dụng trong điều kiện thật cần thiết...

Trung Kiên – LT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN