Sửa đổi, bổ sung chính sách đặc thù đối với 62 huyện nghèo

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện cuộc sống; cơ chế chính sách đặc thù đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ”.


Việc thực hiện Quyết định 1592 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 30a của Chính phủ những năm vừa qua, đã thu được một số kết quả quan trọng. Thực hiện Quyết định, các địa phương đã tập trung giải quyết vốn đầu tư phát triển để xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ giải quyết nước phân tán cho các hộ. Đến nay, 910 công trình nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng ở 33 tỉnh và hỗ trợ xây bể, đào giếng cho 15.764 hộ của 10 tỉnh ở phân tán rải rác, không tập trung…


Nghị quyết 30a của Chính phủ đã tạo cơ hội tăng nguồn lực đầu tư về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết cũng đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến hết năm 2011 đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm ở 62 huyện nghèo với tổng số 82.814 căn nhà.


Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định 1592 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 30a của Chính phủ vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành ở Trung ương còn chậm và chồng chéo. Một số chính sách cũng chưa được cụ thể hóa, như chính sách y tế, giáo dục đối với huyện nghèo, gây khó khăn cho việc thực hiện ở các địa phương. Ngân sách hàng năm bố trí không đủ theo các đề án đã được duyệt, nên các địa phương chưa thực hiện được đầy đủ các chính sách quy định tại Nghị quyết 30a. Một số chính sách hỗ trợ đến nay chưa có vốn để triển khai thực hiện như mua máy móc, nông cụ… để chuyển đổi nghề. Số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn rất cao.


Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tại các địa phương, các đại biểu đã kiến nghị cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đến năm 2015, mở rộng đối tượng, nâng cao định mức, cơ chế đơn giản dễ thực hiện để cộng đồng tham gia thực hiện chính sách. Chính phủ cần xây dựng mỗi xã một mô hình sản xuất hàng hóa, có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các xã thuộc 62 huyện nghèo…


Những ý kiến tại Hội thảo sẽ được Ủy ban Dân tộc tổng hợp để kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù với 62 huyện nghèo phù hợp, để các chính sách này ngày càng hiệu quả hơn, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần đưa các huyện nghèo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển cùng đất nước...

 

Hồng Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN