Rộng bậc thang Mù Cang Chải : Kỳ tích của đồng bào Mông

Rời thành phố Yên Bái, chúng tôi vượt 200 km đường đèo dốc, theo quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, nơi có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đẹp mê hồn. Dưới bàn tay lao động cần cù, thông minh và sáng tạo của đồng bào Mông nơi đây, những thửa ruộng như những cung đàn, nốt nhạc trải dài bên sườn núi. Vào mùa lúa chín, du khách có dịp qua đây sẽ bị hút hồn bởi sóng lúa vàng ươm.

Sự hình thành những thửa ruộng bậc thang nơi đây gắn liền với lịch sử cư trú của đồng bào Mông Mù Cang Chải khoảng 300 năm. Hiện nay diện tích ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải có trên 500 ha, trên tổng diện tích 2.500 ha lúa toàn huyện; tập trung nhiều nhất là ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Ngoài ruộng bậc thang, Mù Cang Chải còn có trên 20.000 ha rừng già, rừng nguyên sinh, gần 13.000 ha rừng thông, khu bảo tồn sinh cảnh Mù Cang Chải cùng hệ thống dày đặc khe suối, hang động. Xác định lợi thế ruộng bậc thang là tiềm năng du lịch sinh thái, UBND huyện có chủ trương gắn bảo tồn với nâng cao hiệu quả sản xuất, tôn tạo cảnh quan miền sơn cước, thu hút khách tham quan du lịch.

Một góc vùng cao Mù Cang Chải.


Quá trình khai khẩn ruộng bậc thang của đồng bào Mông Mù Cang Chải rất công phu và tốn nhiều công sức. Ông Giàng Chứ Ly, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết: “Theo quan niệm của đồng bào Mông, để làm được những thửa ruộng bậc thang, đồng bào thường chọn những nơi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, đất tốt và có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá. Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, bà con xin phép chính quyền xã để khai hoang nhưng không phạm vào đất rừng, đất quy hoạch của Nhà nước”.

Ghi nhận công trình nhân tạo của đồng bào vùng cao, ngày 8/10/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.

Ở những chân ruộng cao, bà con gùi đá chồng lên làm bờ ruộng chạy ngoằn nghèo bên sườn núi như những con trăn khổng lồ. Việc khai hoang làm ruộng thường diễn ra vào thời tiết thuận lợi, khoảng từ tháng giêng đến tháng ba để kịp lấy nước làm lúa mùa. Sau khi khai khẩn đất hoang, đồng bào xác lập “chủ quyền” thửa ruộng của mình bằng các cột đá cao chừng 1m hoặc những khúc gỗ lớn trên mảnh đất khẳng định thành quả lao động của mình. Công việc khai khẩn của người Mông được tiến hành từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác và là loại hình canh tác cực kỳ hiệu quả ở vùng đất dốc và mang đậm bản sắc cư dân vùng cao.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đồng bào Mông nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa dân gian truyền thống với những tín ngưỡng và phong tục tập quán đặc sắc. Sau quá trình khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang, họ mời thầy cúng đến cúng và tin rằng làm thế sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro tác động đến con người và sản xuất. Thầy cúng người Mông phải là người lớn tuổi, được học nghề từ khi còn bé. Nghi thức khai ruộng, đồng bào chuẩn bị lễ vật để cúng gọi hồn gồm: 1 bát gạo, 1 con gà, 1 chén rượu, 1 quả trứng, 1 que hương. Thầy cúng cầm que hương huơ lên trời đọc bài cúng gọi hồn. Cúng xong, bài cúng được thầy mo nhúng vào rượu và đốt ngay tại ruộng. Nghi thức tuy giản đơn nhưng chứa đựng giá trị nhân văn cao cả.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di tích danh thắng được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia. Để khai thác tốt tiềm năng ruộng bậc thang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc ở Mù Cang Chải đang ra sức đẩy mạnh khai hoang, thâm canh tăng vụ, đồng thời tôn tạo gìn giữ, kết hợp làm ruộng bậc thang với bảo vệ tự nhiên, gắn ruộng bậc thang với lễ hội văn hóa cổ truyền như: Mừng cơm mới, gầu tào, đánh pao, bắn nỏ… Mù Cang Chải đang là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan. Ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết: “Để những thửa ruộng bậc thang đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, được sự quan tâm của Nhà nước, huyện đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, đầu tư giống, khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã tích cực vận động nhân dân khai khẩn mở rộng diện tích, thâm canh tăng từ một vụ lên hai vụ lúa”.

Từ bàn tay lao động cần cù của người Mông, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành kỳ quan, là danh thắng quốc gia. Nét văn hóa đặc sắc vùng cao và vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây. Mùa làm đất, ruộng như những bậc thang bắc lên tận ngang trời và mùa lúa chín thì mênh mang sóng lúa như được dát vàng. Những bậc thang ấm no ấy không chỉ mang lại sự no đủ cho người dân bản địa mà giờ đây nó còn là cảnh quan làm mê đắm du khách. Đồng thời, ruộng bậc thang được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về du lịch cảnh quan, du lịch cộng đồng mang đặc thù riêng có của Yên Bái.

Nguyễn Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN