Qua những chợ phiên vùng cao

Khác với miền xuôi, ngày nào cũng có chợ họp, ở vùng cao, nhất là ở những bản Tày, bản Dao bên ven các con suối, chợ chỉ họp có một lần hàng tuần. Do vậy, xuống chợ của đồng bào vùng cao không chỉ là chuyện mua bán mà còn là văn hóa. Qua những phiên chợ vùng cao với sự độc đáo và phong phú của nó, cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng bừng lên.

Những ngày đầu tháng hai, chúng tôi về Bảo Yên, bên dòng sông Chảy, nơi miền đất cửa ngõ của Lào Cai và cũng là nơi có nhiều chợ phiên của người Tày dải đều các cụm xã thấy đồng bào từ khắp các đỉnh núi, các bản Tày, bản Mông tấp nập đi chợ vào thứ bảy hay chủ nhật thấy cuộc sống ở nơi đây thật ấm áp và bình yên.

Hàng thổ cẩm của người Mông ở chợ Vĩnh Yên.

Hầu hết các khu chợ Tày ở Bảo Yên được họp vào thứ bảy hoặc chủ nhật theo sự luân phiên giữa các xã. Chính vì vậy, mỗi phiên chợ nơi đây là cả một câu chuyện dài về bản sắc, về văn hóa xuống chợ của người dân. Được bố trí họp ở cửa ngõ Bảo Yên, nơi là chợ của trung tâm cụm xã Long Khánh, Long Phúc, Lương Sơn, Việt Tiến, chợ xã Việt Tiến thường họp vào chủ nhật với sự tấp nập đông vui. Người dân các xã náo nức đi chợ ngay từ sáng sớm, khi trời còn tờ mờ tối. Theo người dân ở đây, xưa kia, cuộc sống còn khó khăn đói kém, chợ thưa thớt lắm nên chỉ họp trong chốc lát rồi tan ngay. Nhưng mấy năm trở lại đây, chợ đông vui tấp nập. Người dân Việt Tiến xuống chợ là cả một niềm vui sau một tuần làm ăn vất vả, họ xuống chợ để bán, để mua, để giao lưu.

Ông Nông Văn Canh ở xã Việt Tiến cho biết: “Ở Việt Tiến có nhiều đặc sản lắm, phiên chợ nào dân chúng tôi cũng mang đến bán”. Qua ông Canh, chúng tôi được biết rằng, những đặc sản lâu đời ở đây như măng hốc, vịt bầu, cam sành được người Tày bày bán tại hầu hết các phiên chợ. Điều đó đồng nghĩa với việc, chợ phiên Việt Tiến không chỉ là chuyện bán, mua mà còn là chuyện người dân nơi đây giữ gìn cho mình bản sắc của chính mình.

Chợ vì đông người nên có phiên họp tràn cả ra ngoài đường lớn. Người Tày ở các xã dù xa đến mấy cũng bố trí thời gian đến chợ. Theo lãnh đạo xã Việt Tiến, những năm gần đây, sức mua bán ở chợ này thay đổi trông thấy. Có lẽ vì người dân Tày làm được nhiều sản vật nên tỷ lệ người dân mang sản phẩm ra chợ bán ngày càng nhiều. Không chỉ là những nông sản thông thường như mớ rau, quả bí mà những mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao được người dân các xã như Lương Sơn, Long Khánh mang ra chợ trao đổi như vịt, gà đồi, ngô, lúa, lợn giống và cá. Những mặt hàng này đã và đang được thị trường có nhu cầu lớn. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, đã thấy đông đảo các lái buôn đứng ở cổng chợ.

Một người dân Tày ở xã Long Khánh vui vẻ cho biết: “Nhà tôi nuôi được nhiều vịt bầu lắm nhưng không bán một lúc mà mỗi phiên chợ mang ra vài đôi bán cho khách”.

Vừa bán đi, người dân Việt Tiến và dân các xã lân cận lại mua về cho mình những đồ tiêu dùng trong cả tuần như thịt lợn, cá khô, quần áo và đồ gia dụng khác. Theo dư luận người dân ở đây, sức mua của họ ngày càng tăng vì nhu cầu tiêu dùng rất cao. Điều đó, đồng nghĩa với việc họ phải có tiền. Điều đặc biệt là, hai năm trở lại đây, người dân xác định được việc dùng hàng Việt Nam sẽ bền và chất lượng cao, giá thành vừa phải nên tại phiên chợ hàng tuần, sản phẩm hàng Việt Nam được người dân rất ưa chuộng.

Bình yên bản Tày Vĩnh Yên, nơi có những phiên chợ Tày.


Từ thị trấn Phố Ràng đi vào hướng đông bắc của quốc lộ 279 khoảng 25 km, vào sáng thứ bảy hàng tuần, chợ phiên Vĩnh Yên họp tấp nập ngay bên lề đường. Điều đặc biệt của phiên chợ này là có sự góp mặt không chỉ của người Tày, người Dao mà còn cả người Mông ở trên các rẻo núi cao. Chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng khá khang trang. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương và ban quản lý chợ, sức mua bán của chợ Vĩnh Yên có thể đánh giá là cao nhất trong số các chợ của người Tày. Ngoài việc người dân bán các sản vật như các phiên chợ Tày khác thì ở chợ Vĩnh Yên là nơi trung chuyển số lượng lớn các mặt hàng của các lái buôn như ngô, vỏ quế, lúa, nhân trần. Đây là thế mạnh của người Mông khi xuống chợ. Từ trên đỉnh núi cao như Tổng Kim, Lùng Ác, Nặm Khạo… từng đoàn ngựa của người Mông tấp nập chở những bao ngô to và những sản phẩm khác xuống chợ trao đổi.

Ông Sùng Seo Chu - Trưởng bản Mông Lùng Ác cho biết: “Hàng tuần, người Mông xuống chợ và mang theo nhiều ngô xuống bán nên họ có thêm thu nhập từ mỗi phiên chợ”. Cũng chính vì thế mà sức mua của người dân ở chợ Vĩnh Yên khá mạnh. Chưa tan chợ mà những bàn thịt trâu, thịt lợn đã hết sạch, việc mua sắm đồ tiêu dùng cũng tăng nhanh. Một thợ mổ lợn cho biết, phiên chợ nào, gia đình anh cũng mổ hai con mà bán hết ngay.

Đồng bào Tày cùng nhau xuống chợ.

Nét độc đáo ở chợ Vĩnh Yên không chỉ là sự mua bán, trao đổi tấp nập mà còn là sự gìn giữ bản sắc văn hóa Tày, Mông. Điều đó được hiện diện ngay ở những sập hàng vải của người Mông, người Tày. Những hoa văn rực rỡ thêu trên những bộ váy Mông là sản phẩm của chính bàn tay lao động khéo léo, cần mẫn của họ mang đến cho phiên chợ này. Rồi cả những món ăn mà chỉ ở chợ phiên này mới có như cá suối nướng, xôi ngũ sắc, bắp chuối lam sườn… Ngon và đậm đà biết mấy.

Ông Ma Minh Toán- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết: “Chợ Vĩnh Yên mấy năm nay đông vui hơn, lượng tiêu thụ hàng hóa ngày càng cao, cuộc sống của đồng bào mấy năm nay cũng hơn hẳn”.

Nếu thứ bảy là chợ phiên Vĩnh Yên thì ngày hôm sau, người dân cụm xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến lại chuẩn bị cho chợ phiên Nghĩa Đô cách đó khoảng 4 km.

Chợ nằm ở bản Nà Đình, trung tâm của xã Nghĩa Đô, đồng thời cũng là chợ trung tâm, nơi giao thoa kinh tế, văn hóa giữa các xã Nghĩa Đô- Vĩnh Yên - Xuân Hòa - Tân Tiến và vùng giáp ranh Quang Bình, Hà Giang. Nhiều khi có cả đồng bào Mông ở Bắc Hà xuống. Vì là chợ mang tính chất cụm trung tâm nên được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang gồm một dãy nhà cao và hai dãy nhỏ cùng một sân chợ rộng để cho dân họp chợ. Từ các triền núi, bản Tày, bản Mông, bản Dao, người dân vùng cao đến chợ Nghĩa Đô và gùi theo những đặc sản của núi rừng, những sản vật của dân tộc mình có được do bàn tay lao động khéo léo của các mẹ, các chị. Đây măng, mộc nhĩ, nấm hương; kia chút gạo nương thơm lựng, cả những mớ rau rừng xanh non, bi chuối rừng, gùi mật ong ngọt lịm còn nguyên cả tầng… Khi bán những mặt hàng này, người dân Tày, Mông thường tính theo các đơn vị đo lường đặc trưng của vùng họ như tính quả (trứng), tính con (gà) tính ống (ngô), tính sâu như sâu măng, sâu gừng… Hầu như tất cả khối lượng của các mặt hàng đều được người dân tính giá sẵn ở nhà và không cần cân đong gì cả, người mua cũng khó lòng có thể mặc cả được.

Ông Hoàng Văn Bóng- Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô cho chúng tôi biết: “Ở Nghĩa Đô, những nét văn hóa Tày và phong tục xuống chợ vẫn còn được lưu giữ. Người dân ngày càng có nhiều sản vật mang bán ở chợ”.

Phiên chợ Nghĩa Đô còn là nơi đồng bào giới thiệu và bày bán những sản phẩm mang tính phong tục của mình như quần áo được may từ chính bàn tay của người trong bản rồi rượu ngô, rượu sắn thơm nồng được nấu từ những lò rượu truyền thống của người Mông, người Tày rồi những thúng xôi ngũ sắc dẻo thơm được xôi từ những hạt gạo nếp nương tròn mẩy, những que hương thơm ngào ngạt càng làm cho không gian chợ thêm ấm áp.

Đặc biệt hơn, ở Nghĩa Đô, người dân đi chợ không đơn thuần chỉ để mua bán mà còn là để đi chơi. Chính vì vậy, đồng bào đi chợ như đi hội với sự tấp nập, háo hức. Có khi chỉ một con gà, vài mớ rau, nải chuối hay một chục trứng cắp nách mà họ có thể đi bộ nửa ngày đường để xuống chợ. Người dân tới đây để giao lưu, trò chuyện, để gặp gỡ bạn bè, trao đổi tâm tình. Do vậy, phiên chợ Nghĩa Đô có ba khu rất rõ ràng. Một khu dành cho mua bán rau và các sản phẩm của người dân, một khu dành cho mua bán quần áo, đồ dùng trong nông nghiệp. Còn một khu dành riêng cho sự giao lưu, trò chuyện và tâm tình của người dân. Đó là khu ẩm thực. Những nồi nước dùng bốc khói thơm ngào ngạt hòa cùng sự cay nồng của chén rượu ngô và những lời trò chuyện say sưa. Đó chính là tín hiệu của những mối tâm tình giao lưu của đồng bào tại phiên chợ Nghĩa Đô.

Được đến và cảm nhận những phiên chợ của người Tày ở Bảo Yên, chúng tôi nhớ đến câu nói của người xưa về chợ. Rằng mỗi phiên chợ trong xã hội giống như một chiếc thước đo mức sống của cộng đồng dân cư. Chúng tôi thấy rằng, sự khẳng định đó vẫn đúng khi nhìn vào những phiên chợ này. Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn mà người dân phải vững tin vượt qua, nhưng qua mỗi phiên chợ Tày ở Bảo Yên, mỗi người đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt, sự đi lên từng ngày trong cuộc sống của những bản Tày, bản Mông nơi đây.

Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN