Plei Me - xanh mãi chiến trường xưa

Plei Me (huyện ChưPrông, tỉnh Gia Lai), địa danh lịch sử trận đầu đánh Mỹ của quân đội ta trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa nay đã vươn mình trỗi dậy với những màu xanh bạt ngàn của cây trái, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho các buôn làng.

Khu di tích lịch sử Plei Me


Bên ché rượu cần, ông Rah Lan Dơm và ông Rah Lan Kốt (nay đã ngoài 70 tuổi), những người một thời sát cánh cùng Anh hùng Kpă Klơng trong trận đánh quyết định, tiêu diệt đồn Plei Me năm 1965 nhớ lại: Hồi đó, dân làng khổ lắm, phải thường xuyên sơ tán, sống trong rừng sâu; chỉ có thanh niên là bám trụ địa bàn tham gia du kích, cùng với bộ đội chủ lực chiến đấu.

Mặc dù dân làng sống khổ cực, không ít người bị địch giết hại song bà con vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, góp sức chống giặc ngoại xâm. Ban ngày đồng bào trốn trong rừng sâu chăm lo sản xuất trồng cây lúa, cây mì, ban đêm lại gùi cõng lương thực tiếp tế cho bộ đội ăn no đánh Mỹ. Đồng bào còn tham gia vót chông, làm rọ đá... để đánh địch. Chiến dịch Plei Me kết thúc thắng lợi trong niềm hân hoan của cả cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, niềm tin với Đảng, với cách mạng được nhân lên gấp bội.

Plei Me xưa - Ia Ga và Ia Pia nay đã "thay da, đổi thịt" từng ngày từ sau ngày giải phóng thống nhất đất nước. Từ vùng đất "chết" hoang sơ với đầy rẫy bom mìn của địch để lại nay đã vươn mình với tư thế vững chãi, khẳng định một sức sống mới.


Được sự quan tâm chăm lo và đầu tư của Đảng và Chính phủ, bà con ở vùng chiến trường xưa có điều kiện phát triển sản xuất trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Từ các loại cây trồng truyền thống như lúa - ngô theo phương thức phát - đốt - chọc - tỉa trên đất nương rẫy với năng suất thấp, thay vào đó là các loại cây trồng kinh tế bền vững như cao su, hồ tiêu, cà phê...


Cả 2 xã Ia Ga và Ia Pia hiện nay có hàng ngàn ha các loại cây trồng, trong đó có 1.200 ha trồng các loại cây công nghiệp dài ngày cho năng suất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch UBND xã Ia Ga, trong vài năm gần đây, số hộ triệu phú của 2 xã Ia Ga và Ia Pia xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ tính trong vụ thu hoạch năm 2010, toàn xã có khoảng 60% số hộ dân có mức thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên, trong đó số hộ đạt mức trên 150 triệu đồng có đến cả trăm hộ; đặc biệt có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu chiến trường xưa Plei Me nay cũng đã có điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ, hệ thống giao thông nông thôn cũng được tu sửa và nâng cấp, đảm bảo đi lại thuận lợi và thông suốt.


Gần 150 hộ khó khăn về nhà ở đã được giải quyết dứt điểm theo Chương trình 134 của Chính phủ. Bà con đều có nước sạch để dùng, có trường lớp cho con em theo học, có trạm xá chăm sóc sức khỏe.

Nhờ phát triển sản xuất có kết quả, diện hộ đói nghèo trên địa bàn giảm nhanh qua từng năm và mang nhiều yếu tố bền vững. Hiện nay ở 2 xã Ia Ga và Ia Pia đã giải quyết dứt điểm nạn đói kinh niên trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo từ 50% năm 2006 nay giảm xuống còn 16% (theo tiêu chí cũ).

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN